Thứ Tư, 17 tháng 8, 2016

Quy hoạch giao thông ngoài nhà phục vụ chữa cháy

Nhà và công trình phải đảm bảo việc chữa cháy và cứu nạn bằng các giải pháp: kết cấu, quy hoạch không gian, kỹ thuật công trình và giải pháp tổ chức, các giải pháp bao gồm:

- Bố trí các đường cho xe chữa cháy và lối tiếp cận cho lực lượng và phương tiện chữa cháy, kết hợp chung với các đường và lối đi theo công năng của ngôi nhà hoặc bố trí riêng.

- Bố trí trên địa phận khu dân cư, khu công nghiệp hoặc công trình, các trạm phòng cháy và chữa cháy với số lượng nhân viên và các thiết bị kỹ thuật chữa cháy cần thiết đáp ứng các điều kiện chữa cháy trên các công trình hoặc khu vực trong phạm vi hoạt động của các trạm này.
Việc lựa chọn các giải pháp nêu trên phụ thuộc vào bậc chịu lửa, cấp nguy hiểm cháy kết cấu và nhóm nguy hiểm cháy theo công năng của ngôi nhà

- Đường cho xe chữa cháy phải đảm bảo các yêu cầu sau:

  • Chiều rộng của mặt đường không được nhỏ hơn 3,5m cho mỗi làn xe. Chiều cao của khoảng không tính từ mặt đường lên phía trên không được nhỏ hơn 4,25m.
  • Mặt đường phải đảm bảo chịu được tải trọng của xe chữa cháy theo yêu cầu cần thiết kế và phù hợp với chủng loại phương tiện của cơ quan cảnh sát phòng cháy chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ nơi xây dựng công trình.
  • Đường cụt dùng cho một làn xe không được dài quá 150m, cuối cùng phải có bãi xe theo quy định, nếu dài quá 100m phải có chỗ tránh xe với kích thước theo quy định.
  • Có thể tiếp cận tới các nguồn nước chữa cháy của công trình cũng như tới các điểm thuận lợi cho việc chữa cháy, cứu nạn. Khoảng cách từ nơi đỗ xe chữa cháy tới họng tiếp nước vào nhà không được lớn hơn 18m.
- Thiết kế bãi quay xe phải tuân theo một trong các quy định sau:
  • Hình tam giác đều có cạnh không nhỏ hơn 7m, một đỉnh nằm ở đường cụt, hai đỉnh nằm cân đối ở 2 bên đường.
  • Hình vuông có cạnh không nhỏ hơn 12m
  • Hình tròn đường kính không nhỏ hơn 10m
  • Hình chữ nhật vuông góc với đường cụt, cân đối về hai phía đường, có kích thước không nhỏ hơn 5mx20m.

- Đối với đường giao thông nhỏ hẹp chỉ đủ cho 1 làn xe chạy thì cứ ít nhất 100m phải thiết kế đoạn mở rộng tối thiểu 7m dài 8m để xe chữa cháy và các loại xe khác có thể tránh nhua dễ dàng.

- Đường dành cho xe chữa cháy đối với nhà ở , công trình công cộng và phụ trợ của các cơ sở nông nghiệp.
Phải đảm bảo đường cho  các xe chữa cháy tiếp cận đến các nhà ở và công trình công cộng, đường và bãi đỗ xe thang hoặc xe có cần nâng để có thể tiếp cận đến từng căn hộ hoặc gian phòng trên các tầng cao. Khoảng cách từ mép đường xe chạy đến tường nhà cho phép từ 5m đến 8m đối với các nhà cao đến 10 tầng.


Khoảng cách phòng cháy, chống cháy giữa các nhà và công trình

Khái niệm khoảng cách phòng cháy chống cháy giữa nhà và công trình:
Là khoảng cách thông thủy giữa tường ngoài hay kết cấu phía ngoài của các công trình đó. Trường hợp ngôi nhà có các kết cấu nhô ra khỏi mặt ngoài tường trên 1m và bằng vật liệu dễ cháy thì khoảng cách PCCC là khoảng cách giữa 2 mép ngoài kết cấu đó.

Tác dụng: Nhằm ngăn ngừa khả năng phát triển của đám cháy sang nhà, công trình bên cạnh trong khoảng thời gian đủ để triển khai lực lượng phương tiện chữa cháy và bảo vệ các nhà công trình khác bên cạnh.

Xác định khoảng cách PCCC an toàn
Khoảng cách được lấy theo tiêu chuẩn sau:

Đối với nhà ở, công trình công cộng và phụ trợ của các cơ sở công nghiệp
Khoảng cách PCCC từ nhà ở, công trình công cộng, nhà phụ trợ có bậc chịu lửa I và II đến các ngôi nhà có bậc chịu lửa I và II phải không nhở hơn 9m, đến các ngôi nhà sản xuất có mái với lớp cách nhiệt bằng chất liệu Polyme hoặc vật liệu cháy phải không nhỏ hơn 15m.

Khoảng cách giữa các ngôi nhà và công trình là khoảng cách thông thủy giữa các bức tường hoặc các kết cấu bên ngoài của chúng. Trong trường hợp các kết cấu của ngôi nhà hoặc công trình làm bằng những vật liệu cháy lồi ra hơn 1m thì phải lấy khoảng cách giữa các kết cấu này.

Khoảng cách giữa các bức tường không có lỗ cửa sổ cho phép lấy nhỏ hơn 20%  ngoại trừ các ngôi nhà có bậc chịu lửa IV và V

Đối với các nhà 2 tầng có kết cấu khung và tấm với bậc chịu lửa V cũng như các nhà được lợp bằng vật liệu cháy thì khoảng cách PCCC cần phải tăng thêm 20%.

Khoảng cách giữa các ngôi nhà có bậc chịu lửa I và II được phép nhỏ hơn 6m, nếu các bức tường của ngôi nhà cao hơn nằm đối diện với ngôi nhà khác là các tường ngăn cháy.

Không quy định khoảng cách giữa các nhà ở, cũng như giữa các nhà ở với các công trình phục vụ sinh hoạt khác trong khi tổng diện tích đất xây dựng gồm cả diện tích đất không xây dựng giữa chúng không vượt quá diện tích tầng cho phép lớn nhất trong phạm vi của một khoang cháy.

Đối với nhà và công trình công nghiệp
Khoảng cách nhỏ nhất giữa các ngôi nhà và công trình là khoảng cách thông thủy giữa các bức tường hoặc kết cấu bên ngoài của chúng. Trong trường hợp ngôi nhà hoặc công trình có phần kết cấu làm bằng những vật liệu cháy lồi ra hơn 1m thì khoảng cách nhỏ nhất phải lấy là khoảng cách giữa các kết cấu này

Không quy định khoảng cách giữa các ngôi nhà sản xuất và công trình công nghiệp trong những trường hợp sau:

  • Nếu tổng diện tích mặt sàn của từ 2 ngôi nhà trở lên có bậc chịu lửa III, IV không vượt quá diện tích cho phép tầng lớn nhất trong phạm vi một khoang cháy.
  • Nếu như tường của ngôi nhà hay công trình cao hơn hoặc rộng hơn, quay về phía một công trình khác là bức tường ngăn cháy.
  • Nếu các ngôi nhà và công trình có bậc chịu lửa III không phụ thuộc vào độ nguy hiểm cháy theo hạng sản xuất của chúng có các bức tường đứng đối diện là tường đặc hoặc tường có lỗ được xây kín bằng gạch block kính với giới hạn chịu lửa không nhỏ hơn 1 giờ.

Khoảng cách đã cho đối với những ngôi nhà và công trình có bậc chịu lửa  I, II thuộc hạng sản xuất A, B, C được giảm xuống từ 9m xuống còn 6m khi đáp ứng 1 trong các điều kiện sau:

  • Ngôi nhà và công trình được trang bị hệ thống chữa cháy tự động
  • Tải trọng riêng làm bằng các chất cháy trong các ngôi nhà thuộc hạng sản xuất C nhỏ hơn hoặc bằng 10kg tính trên 1m vuông diện tích tầng.

Các trường hợp khoảng cách PCCC được lấy nhỏ hơn quy định
Khoảng cách PCCC từ một ngôi nhà đến các ngôi nhà và công trình xung quanh, có thể lấy nhỏ hơn các quy định trên khi được sự chấp thuận của cơ quan PCCC có thẩm quyền và thực hiện theo các quy định sau:

Khoảng cách PCCC của ngôi nhà được xác định trong trường hợp này là khoảng cách từ ngôi nhà đến đường ranh giới khu đất của ngôi nhà.

Cho phép tường ngoài của ngôi nhà cách đường ranh giới khu đất của nhà trong phạm vi từ 0 đến nhỏ hơn 1m với các điều kiện sau:
  • Tường ngoài phải là tường ngăn cháy loại 1 REI 150 đối với nhà có bậc chịu lửa I và II, và tường ngăn cháy loại 2 REI 60 đối với nhà có bậc chịu lửa III và IV.
  • Bề mặt ngoài của tường ngoài không được sử dụng các vật liệu có tính nguy hiểm cháy cao hơn nhóm Ch1 LT1
Nếu tường ngoài của ngôi nhà cách đường ranh giới khu đất của nhà một khoảng lớn hơn 1m thì cho phép bố trí cấu tạo một số phần diện tích của bề mặt tường ngoài có tính chịu lửa thấp hơn yêu cầu đối với một tường ngăn cháy và được gọi là phần diện tích không được bảo vệ chống cháy của tường. Diện tích cho phép lớn nhất của phần không được bảo vệ chống cháy của tường ngoài được quy định phụ thuộc vào khoảng cách của tường ngoài đó đến đường ranh giới  khu đất của nhà.

Thứ Hai, 15 tháng 8, 2016

Các giai đoạn thẩm duyệt hồ sơ thiết kế về PCCC

Việc kiểm tra hồ sơ thiết kế được chia ra những giai đoạn sau: chuẩn bị thẩm duyệt, kiểm tra và hoàn thành thủ tục kiểm tra.

Giai đoạn chuẩn bị thẩm duyệt

Đây là giai đoạn đầu tiên trong việc kiểm tra hồ sơ thiết kế, bao gồm thu thập tài liệu và tiêu chuẩn cần thiết, nghiên cứu tài liệu, làm sáng tỏ và cụ thể những nội dung cần kiểm tra, chuẩn bị mẫu hồ sơ theo hướng dẫn của C66.

Giai đoạn kiểm tra
Phương pháp kiểm tra
Phương pháp cơ bản để phát hiện và làm rõ vi phạm so với các yêu cầu về an toàn cháy trong hồ sơ thiết kế là phương pháp lập bảng đối chiếu. Bản chất của phương pháp này là đối chiếu các giải pháp về an toàn cháy được cơ quan thiết kế vận dụng trong hồ sơ thiết kế so với các yêu cầu của tiêu chuẩn, trên cơ sở đó rút ra kết luận có phù hợp hay không. Việc đối chiếu có thể được thực hiện bằng chỉ số cụ thể, nhưng trong nhiều trường hợp nó chỉ mang đặc trưng về chất. Việc so sánh các giải pháp được thể hiện bằng chất lượng hoặc số lượng đáp ứng các yêu cầu về an toàn cháy được gọi là điều kiện an toàn.

Nội dung kiểm tra: Khi kiểm tra hồ sơ thiết kế xây dựng, nhất là đối với các công trình lớn có thể có tới hàng trăm chi tiết và đề mục cần kiểm tra, do vậy để đảm bảo đầy đủ và tránh nhầm lẫn cần chuẩn bị sẵn những vấn đề cần đối chiếu theo một biểu mẫu nhất định.

Những việc cần làm sau khi kiểm tra hồ sơ thiết kế:

Tổng hợp, đánh giá kết quả kiểm tra đối chiếu và trả lời chủ đầu tư xây dựng nhà, công trình.
Trường hợp kết quả đối chiếu đúng với yêu cầu tiêu chuẩn thì cán bộ thẩm định hồ sơ viết báo cáo trình cấp trên phê duyệt thiết kế về PCCC.
Trường hợp kết quả đối chiếu có nhiều điểm không đúng với yêu cầu tiêu chuẩn thì có công văn thông báo cho chủ đầu tư để sửa chữa, bổ sung vào hồ sơ thiết kế, trình duyệt lại nếu thấy đảm bảo yêu cầu của tiêu chuẩn thì trình cấp trên phê duyệt.

Hồ sơ thiết kế đã qua thẩm duyệt về  PCCC phải được đóng dấu Đã kiểm duyệt của cơ quan PCCC trước khi giao cho chủ đầu tư, kèm theo bản chấp thuận về thiết kế và thiết bị PCCC. Chủ đầu tư có trách nhiệm lưu giữ các hồ sơ nói trên và xuất trình khi có yêu cầu của các cơ quan quản lý nhà nước về PCCC và xây dựng, khi các cơ quan này tiến hành kiểm tra thi công và nghiệm thu công trình.

Hồ sơ được bàn giao cho chủ đầu tư sau khi được thẩm duyệt xong, kết thúc bước thẩm duyệt hồ sơ thiết kế về PCCC

Các bước tiếp theo trước khi công trình được nghiệm thu đưa vào sử dụng là kiểm tra an toàn về PCCC trong giai đoạn thi công công trình và kiểm tra nghiệm thu công trình.

Phân cấp và nội dung thẩm duyệt thiết kế về PCCC

Quy định về phân cấp thẩm duyệt PCCC

Cục cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ thẩm duyệt thiết kế về phòng cháy và chữa cháy đối với dự án, công trình quan trọng quốc gia, dự án đầu tư xây dựng công trình nhóm A(trừ dự án đầu tư xây dựng công trình sử dụng ngân sách nhà nước do cấp tỉnh là chủ đầu tư), dự án, công trình có chiều cao từ 100m trở lên, tàu hỏa chuyên dùng để vận chuyển hành khách, vận chuyển xăng , dầu, chất lỏng dễ cháy, khí cháy, vật liệu nổ, hóa chất có nguy hiểm về cháy, nổ, tàu thủy chuyên dùng để vận chuyển hành khách có chiều dài từ 50m trở lên, vận chuyển xăng, dầu, chất lỏng dễ cháy. khí cháy, vật liệu nổ, hóa chất có nguy hiểm về cháy, nổ có trọng tải toàn phần từ 1000 tấn trở lên, dự án đầu tư xây dựng công trình do cảnh sát phòng cháy và chữa cháy cấp tỉnh. Phòng cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ công an cấp tỉnh hoặc chủ đầu tư đề nghị.

Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy cấp tỉnh, phòng cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ công an cấp tỉnh thẩm duyệt thiết kế về phòng cháy và chữa cháy đối với các dự án đầu tư xây dựng công trình, phương tiện giao thông cơ giới cháy không thuộc thẩm quyền của cục cảnh sát phòng cháy chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ trên địa bàn quản lý và những trường hợp co cục cảnh sát phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ ủy quyền.

Nội dung thẩm duyệt thiết kế về PCCC

Nội dung thẩm duyệt thiết kế về phòng cháy và chữa cháy đối với dự án thiết kế quy hoạch phải theo đúng quy định tại các khoản 1, 2, 3, 4 điều 12 Nghị định 79/NĐ-CP, cụ thể như sau:

  • Địa điểm xây dựng công trình, cụm công trình, bố trí các khu đất, các lô nhà  phải bảo đảm chống cháy lan, giảm tối thiểu tác hại của nhiệt, khói bụi, khí độc do đám cháy sinh ra đối với các khu vực dân cư và công trình xung quanh.
  • Hệ thống giao thông, khoảng trống phải đủ kích thước và tải trọng bảo đảm cho phương tiện chữa cháy cơ giới triển khai các hoạt động chữa cháy.
  • Phải có hệ thống cấp nước chữa cháy, hệ thống thông tin liên lạc, cung cấp điện phải đảm bảo phục vụ các hoạt động chữa cháy, thông tin báo cháy
  • Bố trí địa điểm xây dựng đơn vị cảnh sát phòng cháy và chữa cháy ở những nơi cần thiết và phù hợp với quy hoạch để đảm bảo cho các hoạt động thường trực sẵn sàng chiến đấu, tập luyện, bảo quản, bảo dưỡng phương tiện chữa cháy theo quy định của bộ công an.


Nội dung thẩm duyệt thiết kế về phòng cháy và chữa cháy đối với thiết kế công trình phải theo đúng quy định tại các khoản 1, 2, 3, 4, 5, 6 điều 13 nghị định 79/NĐ-CP, cụ thể:

  • Địa điểm xây dựng công trình phải bảo đảm khoảng cách an toàn về phòng cháy và chữa cháy đối với các công trình xung quanh.
  • Bậc chịu lửa của công trình phải phù hợp với quy mô tính chất hoạt động của công trình, có giải pháp bảo đảm ngăn cháy và chống cháy lan giữa các hạng mục công trình và giữa công trình này với công trình khác.
  • Công nghệ sản xuất, hệ thống điện, chống sét, chống tĩnh điện, chống nổ của công trình và việc bố trí hệ thống kỹ thuật, thiết bị, vật tư phải bảo đảm các yêu cầu an toàn về phòng cháy và chữa cháy.
  • Lối thoát nạn, thiết bị chiếu sáng, thông gió, hút khói, chỉ dẫn lối thoát nạn, báo tín hiệu, phương tiện cứu người phải bảo đảm cho việc thoát nạn nhanh chóng, an toàn.
  • Hệ thống giao thông, bãi đỗ phục vụ cho phương tiện chữa cháy cơ giới hoạt động phải bảo đảm kích thước và tải trọng, hệ thống cấp nước chữa cháy phải bảo đảm yêu cầu phục vụ chữa cháy.
  • Hệ thống báo cháy, chữa cháy và phương tiện chữa cháy khác phải bảo đảm số lượng, vị trí láp đặt và các thông số kỹ thuật phù hợp với đặc điểm và tính chất hoạt động của công trình theo quy định của tiêu chuẩn kỹ thuật về phòng cháy và chữa cháy.

Thẩm duyệt thiết kế về PCCC đối với nhà và công trình

Thẩm duyệt thiết kế về phòng cháy chữa cháy là việc kiểm tra, đối chiếu các giải pháp nội dung thiết kế dự án, công trình phương tiện giao thông cơ giới có yêu cầu đặc biệt về bảo đảm an toàn phòng cháy chữa cháy với tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, các quy chuẩn của pháp luật Việt Nam có liên quan đến phòng cháy và chữa cháy, tiêu chuẩn nước ngoài, tiêu chuẩn quốc tế về phòng cháy và chữa cháy được phép áp dụng tại Việt Nam.

Thẩm duyệt thiết kế về phòng cháy và chữa cháy là nội dung quan trọng trong quản lý nhà nước về phòng cháy và chữa cháy được quy định tại điều 15 luật phòng cháy và chữa cháy

Nội dung:

Khi lập quy hoạch, dự án xây dựng mới hoặc cải tạo đô thị, khu dân cư, đặc khu kinh tế, khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao phải có giải pháp, thiết kế về phòng cháy và chữa cháy đảm bảo các nội dung sau đây: Địa điểm xây dựng, bố trí các khu, các lô, hệ thống giao thông, cấp nước, bố trí địa điểm hợp lý cho các đơn vị phòng cháy và chữa cháy ở những nơi cần thiết, dự án kinh phí cho các hạng mục phòng cháy và chữa cháy.

Khi lập dự án, thiết kế xây dựng mới, cải tạo hoặc thay đổi tính chất sử dụng của công trình phải có giải pháp, thiết kế về phòng cháy và chữa cháy bảo đảm các nội dung sau:

  • Địa điểm xây dựng, khoảng cách an toàn
  • Hệ thống thoát nạn
  • Hệ thống kỹ thuật an toàn về phòng cháy và chữa cháy
  • Các yêu cầu khác phục vụ phòng cháy và chữa cháy
  • Dự toán kinh phí cho các hạng mục phòng cháy và chữa cháy
Các dự án, thiết kế quy định tại khoản 1 và 2 điều 15 luật phòng cháy và chữa cháy phải được thẩm duyệt về phòng cháy và chữa cháy.

Chính phủ quy định danh mục dự án, công trình thuộc diện phải thiết kế, thẩm duyệt thiết kế, thời hạn thẩm duyệt thiết kế về phòng cháy và chữa cháy.

1. Quy định về thành phần hồ sơ thẩm duyệt thiết kế về PCCC

Hồ sơ thẩm duyệt về PCCC đối với các dự án, công trình gồm 2 bộ, có xác nhận của chủ đầu tư.
Hồ sơ gồm:

- Đối với hồ sơ dự án thiết kế quy hoạch
  • Văn bản đề nghị xem xét, cho ý kiến về giải pháp phòng cháy chữa cháy của cơ quan, tổ chức thẩm định, phê duyệt dự án hoặc của chủ đầu tư, nếu ủy quyền cho một đơn vị khác thực hiện thì phải có văn bản ủy quyền kèm theo
  • Dự toán tổng mức đầu tư của dự án thiết kế quy hoạch
  • Các tài liệu và bản vẽ quy hoạch chi tiết tỉ lệ 1:500 thể hiện những nội dung yêu cầu về giải pháp phòng cháy và chữa cháy
- Đối với hồ sơ thiết kế cơ sở
Thiết kế cơ sở là thiết kế được lập trong báo cáo nghiên cứu khả thi đầu tư xây dựng trên cơ sở phương án thiết kế được lựa chọn, thể hiện được các thông số kỹ thuật chủ yếu phù hợp với tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật được áp dụng, là căn cứ để triển khai các bước thiết kế tiếp theo, hồ sơ gồm:
  • Văn bản đề nghị xem xét, cho ý kiến về giải pháp phòng cháy và chữa cháy cửa cơ quan, tổ chức thẩm định, phê duyệt dự án hoặc của chủ đầu tư, nếu ủy quyền cho một đơn vị khác thực hiện thì phải có văn bản ủy quyền kèm theo.
  • Bản sao văn bản cho phép đầu tư của cấp có thẩm quyền
  • Dự toán tổng mức đầu tư của dự án
  • Bản vẽ và bản thuyết minh thiết kế cơ sở thể hiện những nội dung yêu cầu về giải pháp phòng cháy và chữa cháy quy định tại các khoản 1, 2, 3, 4, 5, 6 điều 13 nghị định 79/2014/NĐ-CP
- Đối với hồ sơ chấp thuận địa điểm xây dựng
  • Văn bản đề nghị kiểm tra, chấp thuận địa điểm xây dựng về phòng cháy và chữa cháy của chủ đầu tư có nêu rõ quy mô, tính chất, đặc điểm nguy hiểm cháy nổ của công trình dự kiến xây dựng, đặc điểm, hiện trạng và sự phù hợp của khu đất dự kiến xây dựng công trình
  • Bản sao văn bản nêu rõ tính hợp pháp của khu đất dự kiến xây dựng công trình
  • Bản vẽ , tài liệu thể hiện rõ hiện trạng địa hình của khu đất có liên quan đến phòng cháy và chữa cháy như: bậc chịu lửa của công trình, khoảng cách từ công trình dự kiến xây dựng đến các công trình xung quanh, hướng gió, cao độ công trình.
- Đối với hồ sơ thiết kế kỹ thuật hoặc thiết kế bản vẽ thi công
Thiết kế kỹ thuật là thiết kế cụ thể hóa thiết kế cơ sở sau khi dự án đầu tư xây dựng công trình được phê duyệt nhằm thể hiện đầy đủ các giải pháp, thông số kỹ thuật và vật liệu sử dụng phù hơp với tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật được áp dụng, là cơ sở để triển khai thiết kế bản vẽ thi công.
Thiết kế bản vẽ thi công là thiết kế thể hiện đầy đủ các các thông số kỹ thuật, vật liệu sử dụng và chi tiết cấu tạo phù hợp với tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật được áp dụng, bảo đảm đủ điều kiện để triển khai thi công xây dựng công trình.

Hồ sơ thiết kế kỹ thuật hoặc thiết kế bản vẽ thi công gồm: Văn bản đề nghị thẩm duyệt về phòng cháy chữa cháy của chủ đầu tư, trường hợp chủ đầu tư ủy quyền cho một đơn vị khác thực hiện thì phải có văn bản ủy quyền kèm theo. Bản sao văn bản chấp thuận quy hoạch của cấp có thẩm quyền. Dự toán tổng mức đầu tư dự án, công trình. Bản vẽ và bản thiết kế kỹ thuật thể hiện nội dung về phòng cháy chữa cháy.

2. Thời hạn thẩm duyệt

Thời hạn thẩm duyệt thiết kế về phòng cháy và chữa cháy được tính kể từ khi nhận đủ hồ sơ hợp lệ cụ thể như sau:
  • Dự án thiết kế quy hoạch không quá 10 ngày làm việc
  • Chấp thuận địa điểm xây dựng công trình không quá 5 ngày làm việc
  • Thiết kế cơ sở không quá 10 ngày làm việc đối với dự án nhóm A, không quá 5 ngày làm việc đối với dự án nhóm B và C.
  • Thiết kế kỹ thuật hoặc thiết kế bản vẽ thi công không quá 15 ngày làm việc đối với dự án công trình nhóm A, không quá 10 ngày làm việc đối với dự án công trình nhóm B và C
  • Thiết kế kỹ thuật phương tiện giao thông cơ giới có yêu cầu đặc biệt về bảo đảm an toàn phòng cháy và chữa cháy không quá 10 ngày làm việc.