Thứ Hai, 29 tháng 8, 2016

Hệ thống chữa cháy Sprinkler

Hệ thống chữa cháy Sprinkler là hệ thống chữa cháy với đầu phun kín luôn ở chế độ thường trực, các vòi phun chỉ làm việc khi nhiệt độ môi trường tại đó đạt đến một giá trị làm việc nhất định. Vì vậy hệ thống Sprinkler chỉ có khả năng chữa cháy theo điểm trên một diện tích bảo vệ nhất định.

Dùng hệ thống này cho các cơ sở có mức độ nguy hiểm cháy thấp, nguy cơ cháy trung bình. Đặc điểm chính của hệ thống này là đường ống luôn chứa đầy nước và được duy trì ở một áp lực nhất định

Sơ đồ cấu tạo
Hệ thống chữa cháy đầu phun sprinkler

Nguyên lý làm việc
Bình thường trong mạng đường ống luôn được duy trì một áp lực làm việc nhất định, áp lực này có được là do bơm bù tạo ra. Do điều kiện khách quan, luôn luôn có sự thất thoát nước. Khi đó áp lực trong hệ thống sẽ giảm chậm đến giá trị ngưỡng áp lực khởi động công tắc áp lực điều khiển bơm bù hoạt động, khi áp lực đạt đến ngưỡng làm việc ban đầu, bơm bù sẽ ngắt.

Khi có nhiệt độ tại nơi xảy ra cháy đạt đến ngưỡng làm việc của đầu phun, đầu phun vỡ ra và nước thoát ra làm giảm áp trong đường ống, khi áp lực giảm đến ngưỡng làm việc của công tắc áp lực điều khiển bơm chữa cháy, thì công tác này sẽ làm việc, thông qua trung tâm điều khiển sẽ khởi động máy bơm chữa cháy, đồng thời trung tâm phát ra tín hiệu báo động và trạng thái làm việc của các bơm.


Chủ Nhật, 28 tháng 8, 2016

Hệ thống chữa cháy tự động bằng khí

Hệ thống chữa cháy tự động bằng khí dùng để phun các chất khí không duy trì sự cháy vào đám cháy, những đám cháy xảy ra trong phòng kín, bởi vì nguyên lý dập tắt đám cháy bằng khí ở đây là làm ngạt, tức là làm giảm nồng độ oxy trong môi trường cháy đến mức không đủ khả năng duy trì sự cháy và khi đó đám cháy sẽ tự tắt.

Hệ thống chữa cháy tự động bằng khí có hiệu quả chữa cháy cao, thường dùng để chữa cháy các khu trung tâm điều khiển điện, tự động, viễn thông hoặc các khu vực mà chữa cháy bằng các chất chữa cháy khác như nước, bột, bọt gây nguy hiểm hoặc gây thiệt hại cho thiết bị tài sản trong khu vực đó.

Các loại khí chữa cháy: Khí tự nhiên CO2, N2, Ar, Xon khí(dẫn xuất halogen của hydro cacbon), hỗ hợp khí,

Hệ thống chữa cháy tự động bằng khí khởi động bằng hệ thống báo cháy tự động
Hệ thống chữa cháy tự động bằng khí

Các thiệt bị chính của hệ thống
Trung tâm điều khiển chữa cháy tự động kết hợp giữa trung tâm báo cháy tự động và trung tâm điều khiển chữa cháy nhằm cung cấp năng lượng cho hệ thống hoạt động, tự động chuyển đổi và hiển thị chế độ làm việc, tạo tín hiệu báo cháy, điều khiển thiết bị ngoại vi, kiểm tra sự hoạt động bình thường của hệ thống

Hệ thống báo cháy: dùng khởi động hệ thống chữa cháy tự động bằng khí cũng được thiết kế theo các yêu cầu kỹ thuật theo quy định, và có các đặc điểm tương tự như hệ thống chữa cháy Dencher

Van mở cơ điện: là thiết bị có thể làm việc bằng điện hoặc bằng tay có nhiệm vụ kích hoạt mở van pittong của bình chứa khí mồi

Van lựa chọn khu vực chữa cháy: có nhiệm vụ lựa chọn khu vực phun khí vào đúng khu vực có cháy để đảm bảo chữa cháy có hiệu quả đồng thời giảm được lượng khí cần thiết dự trữ chữa cháy.

Bình chứa khí chữa cháy: lưu trữ lượng khí cần thiết để chữa cháy

Bình khí mồi có nhiệm vụ mở van lựa chọn khu vực và kích hoạt bình chứa khí chữa cháy làm việc.

Hộp nút ấn xả khí có nhiệm vụ điều khiển xả khí cưỡng bức bằng tay, thường được đặt ở các khu vực bảo vệ.

Hệ thống đường ống vòi phun khí có nhiệm vụ phân bố chất chữa cháy vào khu vực cháy để đảm bảo dật tắt đám cháy trong khoảng thời gian nhất định.

Nguyên lý hoạt động
Bình thường hệ thống ở chế độ thường trực, trung tâm điều khiển báo cháy và chữa cháy tự động sẽ hiển thị trạng thái làm việc của các thiết bị chính trong hệ thống.

Khi xảy ra cháy, các yếu tố môi trường cháy thay đổi kích thích đầu báo cháy làm việc. Nếu chỉ có một kênh báo cháy làm việc thì tại trung tâm điều khiển sẽ phát ra tín hiệu báo cháy và chỉ thị khu vực đang cháy, còn hệ thống phun khí chữa cháy chưa làm việc.

Nếu khi cả hai kênh báo cháy đồng thời làm việc thì trung tâm sẽ phát ra tín hiệu báo động, chỉ thi khu vực cháy. Đồng thời trung tâm điều khiển sẽ tự động chuyển sang chế độ xả khí, sau khoảng thời gian trễ nhất định, trung tâm điều khiển sẽ tạo ra tín hiệu điện đưa tới van mở cơ điện. Van mở cơ điện bị tác động sẽ kích hoạt mở bình khí mồi để đưa khí từ bình khí mồi theo đường ống kích thích mở van lựa chọn khu vực chữa cháy tương ứng và mở van pittong cổ bình khí chữa cháy. Khi đó khí chữa cháy từ bình chứa qua van pittong cổ bình, qua ống góp, qua van lựa chọn khu vực, qua hệ thống đường ống, qua vòi phun vào khu vực cháy.

Thứ Năm, 25 tháng 8, 2016

Hệ thống cấp nước chữa cháy cho nhà cao tầng

Các phương pháp sử dụng nước chữa cháy cho các tòa nhà cao tầng.

Phương pháp thứ nhất, Sử dụng hệ thống bể tự chảy cung cấp cho các vòi nước sinh hoạt. Nước được lấy từ bể chứa của tầng hầm hoặc từ hệ thống cung cấp nước sinh hoạt của thành phố qua hệ thống đường ống cấp nước lên bể tự chảy.
Các bể tự chảy tùy vào chiều cao của ngôi nhà mà có thể là 1 hoặc 2 bể tự chảy có dung tích 20 - 150m3 sẽ theo đường ống sinh hoạt cung cấp nước cho từng căn hộ. Trong quá trình sử dụng khi nước ở các bể chứa áp lực bể chứa giảm xuống đến mức nhất định thì máy bơm sẽ hoạt động cung cấp nước bổ sung phần nước đã sử dụng sinh hoạt.

Phương pháp thứ hai, sử dụng bơm duy trì áp lực. Nước trong hệ thống đường ống cấp nước được duy trì ở một áp lực nhất định. Khi người dân sử dụng các vòi nước sinh hoạt, khi đó máy bơm sẽ tự động hoạt động cung cấp nước cho toàn bộ hệ thống đường ống. Như vậy trong đường ống luôn đầy nước và luôn bảo đảm áp lực nước cần thiết.

Hiện nay trong các nhà cao tầng người ta chủ yếu sử dụng phương pháp bể tự chảy là chính. Vì trong quá trình sử dụng phương pháp này sẽ giúp các nhà xây dựng giảm bớt giá thành của hệ thống cung cấp nước và tăng tuổi thọ của hệ thống máy bơm, đường ống, do máy có thời gian ngừng nghỉ và việc khởi động máy bơm ít sẽ giảm khả năng hỏng hóc của máy bơm và giảm thời gian tiêu  thụ điện của máy bơm. Tuy nhiên, việc sử dụng phương pháp trên có một số hạn chế chủ yếu trong việc cung cấp nước cho hệ thống chữa cháy do nước ở các bể tự chảy giảm, nếu xảy ra cháy trong thời gian đó sẽ không đủ nước cung cấp cho hệ thống chữa cháy tự động và chữa cháy vách tường. Ở điểm này, phương pháp bơm duy trì áp lực sẽ đảm bảo hơn, do mực nước trên bể được duy trì và nước được cung cấp liên tục vào hệ thống đường ống.

Sơ đồ hệ thống


hệ thống cung cấp nước song song
Hệ thống cấp nước song song


Cùng với việc cung cấp nước sinh hoạt cho nhà cao tầng, một vấn đề cần đặt ra  là phải cung cấp nước đầy đủ trong trường hợp xảy ra cháy trong loại nhà này. Đây là vấn đề rất quan trọng trong thiết kế hệ thống cung cấp nước chữa cháy cho nhà cao tầng. Thực tế chứng minh rằng với cột áp tự do ở đầu lăng có đường kính 13mm để tạo ra bán kính tia nước đặc bằng 17m để chữa cháy, nước được truyền từ đường vòi với đường kính 51mm lên độ cao 45m cần duy trì cột áp của máy bơm là 90mcn. Khi chữa cháy các tòa nhà bằng xe chữa cháy không thể đảm bảo vì quá giới hạn cho phép của đường vòi và khó khăn trong việc vận hành máy bơm.
Để đảm bảo cho việc cung cấp nước chữa cháy cho nhà cao tầng, hệ thống cung cấp nước chữa cháy chia thành các khu vực cấp nước theo sơ đồ sau:
Sơ đồ hệ thống cung cấp nước chữa cháy song song
Sơ đồ cung cấp nước nối tiếp
Sơ đồ cung cấp nước chung

Cáp báo cháy nhiệt kiểu dây

Cáp báo cháy nhiệt kiểu dây: gồm các bộ phận: lớp polymer bên ngoài, lớp băng bảo vệ, lớp vỏ polymer nhạy cảm với nhiệt độ và lõi kim loại

- Vỏ polymer bên ngoài có nhiệm vụ bao bọc, bảo vệ cáp. Do lớp vỏ này luôn tiếp xúc trực tiếp với môi trường lắp đặt nên người ta thường lựa chọn loại polymer có khả năng chống lại hóa chất và tia cực tím. Với mỗi loại cáp báo cháy nhiệt khác nhau có lớp vỏ bên ngoài khác nhau để phù hợp với từng điều kiện, môi trường lắp đặt.

- Băng bảo vệ dưới lớp vỏ polymer bên ngoài là một lớp băng có nhiệm vụ cung cấp khả năng bao vệ bổ sung cho các dây dẫn bên trong của cáp.

- Vỏ polymer nhạy cảm với nhiệt độ có nhiệm vụ bọc cách điện cho các lõi kim loại. Khi nhiệt độ tác động vào cáp đạt tới ngưỡng làm việc sẽ làm cho lớp polymer tại vị trí đó thay đổi tính chất cách điện thành dẫn điện. Lúc này giữa các dây dẫn xảy ra hiện tượng ngắn mạch và tạo ra tín hiệu báo động.

- Lõi kim loại gồm một cặp dây dẫn được xoắn với nhau có nhiệm vụ tạo lực đàn hồi giữa chúng và tăng khả năng chống nhiễu bởi sóng điện từ EMI  hay sóng vô tuyến RFI. Ngoài ra lõi thép làm tăng độ bền vững cho cáp đồng thời với nhiều đặc tính độc đáo nó còn có thể báo được địa điểm xảy ra cháy.

Nguyên lý làm việc

Bình thường cáp báo cháy nhiệt được lắp đặt để tạo ra trên hệ thống một mạch điện khép kín, hai đầu dây cuối của cáp được lắp một điện trở. Ở chế độ thường trực luôn có một dòng điện chạy trong mạch để kiểm tra sự làm việc của các thiết bị. Trong trường hợp xảy ra hiện tượng hở mạch thì hệ thống sẽ chuyển sang trạng thái lỗi.

Khi xảy ra cháy, nhiệt độ môi trường tăng cao sẽ tác động vào cáp báo cháy nhiệt. Tại vị trí cáp có nhiệt độ đạt tới ngưỡng làm việc thì lớp polymer nhạy cảm nhiệt sẽ bị thay đổi tính chất cách điện thành dẫn điện làm giữa 2 lõi thép xảy ra hiện tượng ngắn mạch và tạo tín hiệu báo động trên hệ thống. Đồng thời trên bảng điều khiển sẽ thông báo vị trí xảy ra cháy.

Thứ Hai, 22 tháng 8, 2016

Đầu báo cháy khói kiểu tia chiếu - đầu báo beam

Ở các khu vực có diện tích rộng, chiều cao lớn, việc lắp đặt các đầu báo cháy thông thường gặp nhiều khó khăn và khó phát hiện cháy do vùng không gian của vùng bảo vệ quá lớn. Vì thế đầu báo khói tia chiếu ra đời nhằm đáp ứng những đòi hỏi:
Cấu tạo
Hệ thống gồm một đầu phát phát ra chùm sóng hồng ngoại và một đầu thu hồng ngoại.
đầu báo beam
Nguyên lý chung
Thông thường đầu phát và đầu thu hồng ngoại được gắn trên tường, cột cách nhau từ 5 đến 100m trên cùng một trục thẳng. Bình thường đầu phát luôn tạo ra một chùm tia hồng ngoại theo phương thẳng góc với trục của đầu báo, chùm tia hồng ngoại này luôn được hướng về phía đầu thu. Dưới tác dụng của chùm tia này, phần mạch điện tử đầu thu sóng hồng ngoại luôn luôn làm việc(tương đương công tắc điện tử ở trạng thái đóng) trung tâm báo cháy không phát ra tín hiệu báo cháy.
Khi có cháy xảy ra, đám cháy sẽ tạo ra rất nhiều hạt khói, nồng độ khói xuất hiện và tăng ở khoảng không gian giữa đầu phát và đầu thu làm cho số lượng tia hồng ngoại đi từ đầu phát đến đầu thu giảm dần. Khi nồng độ khói của môi trường đặt giữa đầu phát và đầu thu đạt giá trị ngưỡng làm việc của đầu báo khói kiểu tia chiếu - đầu báo beam thì số lượng tia hồng ngoại giảm đến mức đủ nhỏ để khởi động đầu thu làm việc, dẫn đến kích hoạt trung tâm báo cháy hoạt động.
Mỗi đầu báo khói tia chiếu sẽ kết nối với một trung tâm báo cháy nhất định

Chủ Nhật, 21 tháng 8, 2016

Hệ thống báo cháy địa chỉ

Sơ đồ nguyên lý làm việc của hệ thống báo cháy địa chỉ

hệ thống báo cháy địa chỉ

a) Trung tâm báo cháy địa chỉ
Ngoài các chức năng thông thường như các trung tâm báo cháy theo vùng, trung tâm báo cháy địa chỉ có ưu việt hơn trung tâm báo cháy theo vùng ở nhiều chức năng như: Các thông tin của hệ thống được hiển thị trên màn hình LCD, nối mạng hệ thống, kiểm tra các thông số của hệ thống, kích hoạt hoặc cách ly các địa chỉ cần thiết, kết nối với máy tính để giám sát hệ thống dễ dàng, kêt nối được nhiều loại thiết bị ngoại vi

b) Đầu báo cháy địa chỉ
Ngoài chức năng thông thường, đầu báo cháy địa chỉ cho phép thay đổi ngưỡng làm việc theo yêu cầu của người thiết kế, lắp đặt, có khả năng tự động kiểm tra các thông số môi trường

c) Module tạo địa chỉ cho đầu báo cháy thường, nút ấn báo cháy
Module tạo địa chỉ cho đầu báo cháy thông thường, nút ấn báo cháy là thiết bị tạo địa chỉ cho các đầu báo thường hoặc nút ấn báo cháy khi các thiết bị trên muốn kết nối với trung tâm báo cháy theo địa chỉ.
Module tạo địa chỉ cho đầu báo cháy thường, nút ấn báo cháy có thể là loại 1 đường hoặc 4 đường. Tùy từng loại module mà có thể kết nối từ 10 đến 40 đầu báo cháy thường cho một địa chỉ

d) Module cách ly sự cố ngắn mạch
Do tất cả các thiết bị chính của hệ thống báo cháy địa chỉ sử dụng chung một đôi dây nên trong trường hợp ngắn mạch đường dây sẽ gây hư hỏng hệ thống. Vì vậy, module cách ly sự cố ngắn mạch có nhiệm vụ cô lập vùng ngắn mạch trên đường truyền tín hiệu chính để không bị ảnh hưởng tới sự làm việc chung của hệ thống và các địa chỉ trong các đoạn mạch khác
Module cách ly sự cố ngắn mạch cũng được nối thẳng với mạch tín hiệu chính của hệ thống nhằm tạo thành nhiều đoạn mạch khác nhau trên mạch tín hiệu chính. Số lượng của module cách ly ngắn mạch trong một hệ thống báo cháy địa chỉ càng nhiều càng tốt nhưng tối thiểu phải có từ 3 module trở lên

e) Module điều khiển thiết bị ngoại vi.
Module điều khiển thiết bị ngoại vi là thiết bị có nhiệm vụ tạo ra tín hiệu để điều khiển các thiết bị ngoại vi trong hệ thống báo cháy tự động theo địa chỉ
Module tiếp điểm kho tạo tín hiệu dạng tiếp điểm NO hoặc NC
Module tiếp điểm ướt tạo tín hiệu dạng điện áp 12 hoặc 24VDC

f) Dây tín hiệu
Dây tín hiệu trong hệ thống báo cháy theo địa chỉ được chạy từ đầu báo cháy đầu tiên đến đầu báo cháy cuối cùng và chạy về trung tâm tạo thành mạch tín hiệu chính. Ngoài mạch này, trong hệ thống báo cháy địa chỉ còn phân biệt một số loại dây tín hiệu khác như: dây nối máy tính, dây nối với hệ thống cáp quang, dây tín hiệu trong mạch đầu báo thường, dây cấp nguồn...

Địa chỉ và zone.
Vì tất cả các thiết bị chính của hệ thống đều được nối tới đường dây tín hiệu chính nên để phân biệt giữa các thiết bị khác nhau, mỗi thiết bị chính đều phải có một số định danh duy nhất trên toàn bộ hệ thống báo cháy địa chỉ. Số định danh này gọi là địa chỉ của thiết bị đó
Khía niệm zone trong hệ thống báo cháy địa chỉ được sử dụng để nhóm các thiết bị bên trong hệ thống báo cháy có chung một đặc điểm nào đó như có cùng khu vực bảo vệ,cùng được sử dụng để điều khiển một thiết bị ngoại vi nào đó. Khái niệm này không hoàn toàn giống với zone(vùng, kênh) của hệ thống báo cháy tự động theo vùng đã được phân định rõ ràng theo đường dây khác nhau.
Mỗi thiết bị đầu vào hoặc đầu ra đều có địa chỉ và đều được phân nhóm trong các zone xác định. Tuy nhiên một thiết bị đầu vào hoặc đầu ra chỉ có một địa chỉ duy nhất nhưng có thể thuộc nhiều zone khác nhau.
Liên kết giữa các thiết bị đầu vào và đầu ra được thực hiện theo zone. Tức là khi có một thiết bị đầu vào truyền tín hiệu về trung tâm báo cháy thì trung tâm báo cháy sẽ kích hoạt tất cả các thiết bị đầu ra có cùng zone với thiết bị đầu vào và đang báo cháy.

Dữ liệu cấu hình của hệ thống báo cháy địa chỉ
Sau khi lắp đặt phần cứng của hệ thống, gồm: trung tâm báo cháy, các đầu báo cháy, nút nhấn báo cháy, các module địa chỉ. các thiết bị ngoại vi, hệ thống dây, cáp tín hiệu... hệ thống báo cháy tự động theo địa chỉ cần phải được cài đặt dữ liệu cấu hình cho hệ thống để phù hợp với từng khu vực và mục đích điều khiển.
Dữ liệu cấu hình có thể được lập trình trước trên máy vi tính bằng các phần mềm chuyên dụng, sau đó được nạp vào trung tâm báo cháy hoặc có thể được lập trình trực tiếp tại trung tâm báo cháy ngay trong quá trình lắp đặt.
Dữ liệu cấu hình có thể được tải xuống trong khi hệ thống đang hoạt động để sửa chữa, thay đổi các thông tin về khu vực báo cháy trong trường hợp mục đích sử dụng của công trình bị thay đổi hoặc trong trường hợp cần sửa chữa, bổ sung, mở rộng hệ thống...

Chương trình theo dõi, quản lý hệ thống trên máy tính.
Chương trình theo dõi, quản lý hệ thống báo cháy tự động theo địa chỉ là một phần mềm chuyên dụng được cài đặt trên máy vi tính các nhân. Bằng cách nối máy tính với mạng các hệ thống báo cháy thông qua khối giao diện mạng NIU, chương trình theo dõi, quản lý hệ thống có thể giao tiếp với các trung tâm báo cháy ở trên mạng
Chương trình theo dõi, quản lý hệ thống báo cháy địa chỉ có chức năng hiển thị bằng đồ họa các sự kiện xảy ra trên mạng các hệ thống báo cháy và có thể thực hiện các chức năng hồi phục hệ thống.

Nguyên lý làm việc
Hệ thống báo cháy địa chỉ tự động chỉ có 4 trạng thái làm việc

  • Trạng thái thường trực
  • Trạng thái báo cháy
  • Trạng thái sự cố
  • Trạng thái báo thiết bị cần giám sát thay đổi trạng thái

Nguyên lý hoạt động

Bình thường toàn bộ hệ thống ở chế độ thường trực. Ở chế độ này trung tâm lần lượt phát tín hiệu kiểm tra đến các thiết bị trong hệ thống đồng thời các đầu báo cháy địa chỉ, module địa chỉ cũng có tín hiệu hồi đáp về trung tâm. Định kỳ theo thời gian tùy đặt, trung tâm sẽ in tình trạng hệ thống và thông tin về các thiết bị cần bảo dưỡng.
Trong chế độ giám sát nếu trung tâm nhận được tín hiệu báo lỗi từ các thiết bị hoặc không nhận được tín hiệu hồi đáp từ các thiết bị thì trung tâm sẽ chuyển sang chế độ sự cố. Mọi thông tin về sự cố sẽ được hiển thị trên màn hình. Khi lỗi được khắc phục chế độ sự cố sẽ kết thúc và tự động đưa hệ thống về chế độ giám sát bình thường.
Khi xảy ra cháy ở khu vực bảo vệ, các yếu tố môi trường sự cháy(nhiệt độ, khói, ánh sáng) thay đổi sẽ tác động lên các đầu báo cháy. Khi các yếu tố này đạt đến ngưỡng làm việc thì  các đầu báo sẽ làm việc tạo tín hiệu truyền về trung tâm(gồm tín hiệu báo cháy và tín hiệu địa chỉ của thiết bị báo cháy). Tại trung tâm báo cháy sẽ diễn ra các hoạt động xử lý tín hiệu truyền về theo chương trình đã cài đặt để đưa ra tín hiệu thông báo khu vực cháy qua loa tại trung tâm và màn hình. Đồng thời các thiết bị ngoại vi tương ứng sẽ được kích hoạt hoạt động để phát tín hiệu báo động cháy hoặc thực hiện các nhiệm vụ đã đề ra.

Sơ đồ nguyên lý làm việc của hệ thống báo cháy tự động



Sơ đồ nguyên lý làm việc của hệ thống báo cháy tự động thông thường.

Sơ đồ hệ thống
Nhiệm vụ và đặc điểm các thiết bị chính của hệ thống

Sơ đồ hoạt động hệ thống báo cháy
a) Trung tâm báo cháy
Là thiết bị có nhiệm vụ cung cấp năng lượng, nhận và xử lý các tín hiệu theo các chức năng đã đề ra.
Trung tâm báo cháy thường được đặt ở trong phòng trực, phòng bảo vệ nơi luôn có người thường trực 24/24.
Đây là một trong những thiết bị quan trọng trong hệ thống có nhiệm vụ điều khiển các thiết bị khác trong hệ thống hoạt động.

b) Đầu báo cháy
Đầu báo cháy là thiết bị tự động nhạy cảm với các hiện tượng kèm theo sự cháy(sự tăng nhiệt độ, tỏa khói và phát sáng), có khả năng tạo tín hiệu thích hợp truyền tín hiệu về trung tâm báo cháy.
Đầu báo cháy được lắp đặt ở các khu vực cần phát hiện ra cháy.
Đầu báo cháy là thiết bị đầu tiên của hệ thống báo cháy tự động tiếp xúc với các thông số của đám cháy nên có vai trò rất lớn trong hệ thống báo cháy tự động, ảnh hưởng quyết định đến độ tin cậy. đến khả năng phát hiện sự cháy sớm. Vì vậy, trong tính toán thiết kế hệ thống báo cháy việc lựa chọn chủng loại đầu báo, phương pháp lắp đặt đầu báo ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng, hiệu quả và khả năng làm việc của hệ thống báo cháy tự động.

c) Nút nhấn báo cháy
Nút nhấn báo cháy là thiết bị giúp con người chủ động báo cháy bằng tay khi phát hiện ra cháy mà lúc đó hệ thống chữa kịp làm việc.
Nút nhấn báo cháy thường được đặt ở các nơi công cộng, nơi dễ thấy, dễ thao tác, đầu các cầu thang, lối thoát nạn, cửa ra vào... và được đặt ở độ cao khoảng 1.2m đến 1.5m tính từ mặt sàn.
Các loại nút nhấn báo cháy: Nút nhấn sử dụng 1 lần và nút nhấn hồi phục. Nút nhấn 2 dây và nút nhấn 3 dây.
Nút nhấn báo cháy trong một khu vực có thể kết nối vào cùng kênh với các đầu báo cháy hoặc có thể kết nối thành một kênh báo cháy riêng biệt tùy vào từng hệ thống báo cháy và phương án thiết kế.

d) Cáp tín hiệu và dây dẫn dùng để kết nối các thiết bị với nhau

e) Hộp kỹ thuật là thiết bị dùng để đấu nối tín hiệu nhằm phục vụ cho công tác thi công, kiểm tra, bảo quản, bảo dưỡng hệ thống báo cháy tự động.

f) Trở kháng cuối dây là thiết bị kiểm tra sự thông mạch trên đường dây tín hiệu của các kênh báo cháy.

g) Các thiết bị chỉ thị, báo cháy là các thiết bị có nhiệm vụ tạo ra các tín hiệu báo cháy tự động và chỉ thị các khu vực đang xảy ra cháy, khu vực có nguy hiểm do cháy gây ra.. để giúp con người nhanh chóng thoát ra khỏi khu vực nguy hiểm đồng thời có biện pháp xử lý kịp thời sự cố cháy.

h) Tổ hợp báo cháy là tổ hợp thiết bị gồm nút nhấn báo cháy, chuông báo cháy, đèn báo cháy được lắp đặt chung trong cùng một hộp bảo vệ

i) Tín hiệu điều khiển thiết bị ngoại vi là thiết bị ngoài hệ thống báo cháy tự động, được điều khiển bởi trung tâm báo cháy. Ví dụ hệ thống thang máy, màn ngăn cháy, hệ thống cấp khí ga...

Nguyên lý làm việc

Các trạng thái làm việc của hệ thống báo cháy tự động

  • Trạng thái thường trực
  • Trạng thái báo cháy
  • Trạng thái sự cố

Nguyên lý hoạt động

Bình thường hệ thống báo cháy ở chế độ thường trực. Ở chế độ này luôn có dòng tín hiệu I0 chạy trong mạch để kiểm tra sự làm việc bình thường của các thiết bị trong hệ thống nhằm phát hiện ra các sự cố hư hỏng nếu có.
Khi xảy ra cháy ở các khu vực được bảo vệ, các yếu tố môi trường sự cháy(nhiệt độ, nồng độ khói, ngọn lửa) thay đổi sẽ tác động lên các đầu báo cháy. Nếu các yếu tố này đạt một giá trị nhất định(ngưỡng làm việc của các đầu báo cháy) thì sau một khoảng thời gian nhất định các đầu báo cháy sẽ làm việc tạo ra tín hiệu điện truyền về trung tâm báo cháy qua hệ thống dây và cáp tín hiệu truyền về để tự động chuyển đổi chế độ hoạt động của hệ thống sang chế độ báo cháy. Ở chế độ này trung tâm báo cháy sẽ phát ra tín hiệu báo cháy, chỉ thị tương ứng như chuông, còi, đèn và các tín hiệu điều khiển thiết bị ngoại vi khác.

Thứ Sáu, 19 tháng 8, 2016

Kiểm tra nghiệm thu công trình PCCC

1. Một số quy định về kiểm tra nghiệm thu công trình

Nghiệm thu về phòng cháy và chữa cháy được quy định tại điều 17 nghị định 79/2014 với những nội dung cơ bản sau đây:

1. Về đối tượng phải nghiệm thu về phòng cháy và chữa cháy
Theo quy định tại khoản 1 điều 17 nghị định 79/2014 thì dự án, công trình, phương tiện giao thông cơ giới có yêu cầu đặc biệt về bảo đảm an toàn phòng cháy và chữa cháy đã được thẩm duyệt về phòng cháy và chữa cháy, trước khi đưa vào sử dụng phải được chủ đầu tư, chủ phương tiện tổ chức nghiệm thu về phòng cháy và chữa cháy.
Nghiệm thu về phòng cháy và chữa cháy bao gồm nghiệm thu từng phần, từng giai đoạn, từng hạng mục và nghiệm thu bàn giao, riêng đối với các bộ phận của công trình, phương tiện giao thông cơ giới có yêu cầu đặc biệt về bảo đảm an toàn phòng cháy và chữa cháy khi thi công bị che khuất thì phải được nghiệm thu trước khi tiến hành các công việc tiếp theo.

2. Về thủ tục nghiệm thu 
Theo quy định tại khoản 2 điều 17 nghị định 79/2014 thì các đối tượng quy định tại khoản 2 điều 15 nghị định này phải được chủ đầu tư, chủ phương tiện tổ chức nghiệm thu về phòng cháy và chữa cháy và trước khi đưa vào sử dụng chủ đầu tư, chủ phương tiện phải thông báo cho cơ quan cảnh sát phòng cháy đã thẩm duyệt trước đó đến kiểm tra nghiệm thu về phòng cháy và chữa cháy
Hồ sơ nghiệm thu bao gồm:

  • Bản sao giấy chứng nhận thẩm duyệt thiết kế về phòng cháy của cơ quan cảnh sát PCCC.
  • Bản sao giấy chứng nhận kiểm định phương tiện phòng cháy đã lắp đặt trong công trình, phương tiện giao thông cơ giới.
  • Các biên bản thử nghiệm, nhiệm thu từng phần và tổng thể các hạng mục, hệ thống phòng cháy và chữa cháy.
  • Bản vẽ hoàn công hệ thống phòng cháy và chữa cháy và các hạng mục liên quan PCCC phù hợp với hò sơ thiết kế đã được thẩm duyệt.
  • Tài liệu quy trình hướng dẫn vận hành, bảo dưỡng các thiết bị, hệ thống phòng cháy và chữa cháy của các công trình, phương tiện giao thông cơ giới.
  • Văn bản nghiệm thu hoàn thành hệ thống, thiết bị có liên quan về phòng cháy và chữa cháy.


Các văn bản, tài liệu nêu trên phải có xác nhận của chủ đầu tư, chủ phương tiện, nhà thầu, đơn vị tư vấn thiết kế. Nếu hồ sơ thể hiện bằng tiếng nước ngoài phải dịch ra tiếng Việt.

3. Nội dung kiểm tra quy định tại điểm C khoản 2 điều 17 nghị định 79/2014

Kiểm tra nội dung và tính pháp lý của hồ sơ nghiệm thu về PCCC do chủ đầu tư, chủ phương tiện giao thông cơ giới chuẩn bị.

Kiểm tra việc thi công lắp đặt phương tiện, thiết bị phòng cháy và chữa cháy của công trình, phương tiện giao thông cơ giới theo thiết kế đã thẩm duyệt.

Tổ chức kiểm tra thử nghiệm hoạt động thực tế của các phương tiện, thiết bị phòng cháy của công trình, phương tiện giao thông cơ giới khi xét thấy cần thiết.

4. Thời hạn ra văn bản nghiệm thu trong thời hạn 07 ngày làm việc, kể từ ngày thông qua biên bản kiểm tra nghiệm thu, cơ quan cảnh sát phòng cháy có trách nhiệm xem xét, nếu đạt các yêu cầu thì ra văn bản nghiệm thu.

2. Cụ thể hóa nội dung nghiệm thu về phòng cháy và chữa cháy Điều 8 Thông tư 66/2014/TT-BCA:

Dự án, công trình, phương tiện giao thông cơ giới có yêu cầu đặc biệt về bảo đảm an toàn phòng cháy và chữa cháy đã được thẩm duyệt thiết kế về phòng cháy và chữa cháy, trước khi đưa vào sử dụng phải được chủ đầu tư, chủ phương tiện tổ chức nghiệm thu về phòng cháy và chữa cháy theo hồ sơ thiết kế đã được cơ quan CS PCCC thẩm duyệt.

Trong thời hạn 7 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được văn bản thông báo của chủ đầu tư, chủ phương tiện giao thông cơ giới, cơ quan cảnh sát PCCC đã thẩm duyệt trước đó có trách nhiệm tổ chức kiểm tra nghiệm thu về phòng cháy và chữa cháy theo nội dung quy định tại điểm c khoản 2 điều 17 NĐ 79/2014.

Văn bản nghiệm thu về phòng cháy và chữa cháy gồm các nội dung cơ bản sau: Thông tin về tên công trình phương tiện, địa điểm xây dựng, chủ đầu tư hoặc chủ phương tiện, nội dung đã được tổ chức nghiệm thu về phòng cháy và chữa cháy, các yêu cầu khác.

3. Trình tự kiểm tra nghiệm thu công trình PCCC

1. Kiểm tra hồ sơ nghiệm thu do chủ đầu tư, chủ phương tiện chuẩn bị:

  • Giấy chứng nhận thẩm duyệt về PCCC và các biên bản kiểm tra thi công về PCCC của cơ quan CS PCCC.
  • Báo cáo của chủ đầu tư, chủ phương tiện về tình hình kết quả thi công, kiểm tra, kiểm định và nghiệm thu các hệ thống, thiết bị và kết cấu PCCC, nêu rõ những trường hợp sửa đổi bổ sung thiết kế trong quá trình thi công.
  • Văn bản, chứng chỉ kiểm định các thiết bị, phương tiện PCCC đã lắp đặt trong công trình
  • Biên bản thử nghiệm và nghiệm thu từng phẩn và tổng thể các hạng mục, hệ thống PCCC
  • Các bản vẽ hoàn công hệ thống PCCC và các hạng mục có liên quan đến PCCC.
  • Tài liệu, quy trình hướng dẫn vận hành, bảo dưỡng các thiết bị, hệ thống PCCC của công trình, phương tiện.
  • Văn bản nghiệm thu các hạng mục, hệ thống thiết bị kỹ thuật khác có liên quan đến PCCC.
  • Các văn bản và hồ sơ trên phải có đủ dấu, chữ ký của chủ đầu tư, chủ phương tiện, nhà thầu, đơn vị tư vấn giám sát(nếu có), đơn vị thiết kế.


2. Kiểm tra thự tế tại công trình

Kiểm tra thực tế các điều kiện về PCCC của công trình, phương tiện theo thiết kế đã được thẩm duyệt.
Vị trí, số lượng, chủng loại các thiết bị PCCC đã lắp đặt đối với thiết kế đã duyệt.
Thủ nghiệm để kiểm tra khả năng hoạt động thực tế của các thiết bị và hệ thống PCCC, hệ thống chữa cháy tự động Sprinkler, hệ thống chữa cháy bằng khí,nguồn điện dự phòng cho hệ thống PCCC, đèn sự cố, bình chữa cháy xách tay.
Lập biên bản nghiệm thu, lấy chữ ký của các thành viên tham gia nghiệm thu và dấu xác nhận của các đơn vị có liên quan.
Căn cứ kết quả nghiệm thu, đối chiếu với thiết kế được duyệt, nếu không có gì sai sót thì viết báo cáo đề xuất lãnh đạo ký văn bản nghiệm thu cho công trình. Thời gian để cán bộ tổng hợp kết quả và viết báo cáo lên cấp trên không quá 3 ngày. Thời gian cấp giấy chứng nhận nghiệm thu PCCC không quá 10 ngày.

Các yêu cầu đối với lối thoát nạn

Các yêu cầu cơ bản đối với thang bộ thoát nạn

Các loại thang bộ

  • Loại 1 - cầu thang bên trong nhà, được đặt trong buồng thang
  • Loại 2 - cầu thang bên trong nhà để hở
  • Loại 3 - cầu thang bên ngoài nhà để hở


Các loại buồng thang bộ thông thường

  • L1 - có các lỗ cửa ở tường ngoài trên mỗi tầng để hở hoặc lắp kính
  • L2 - được chiếu sáng tự nhiên qua các lỗ ở trên mái để hở hoặc lắp kính


Các loại buồng thang bộ không nhiễm khói

  • N1 - có lối vào buồng thang từ mỗi tầng đi qua khoảng thông thoáng bên ngoài theo một lối đi hở. Lối đi ra khoảng thông thoáng này không được nhiễm khói.
  • N2 - có áp suất không khí dương( áp suất không khí trong buồng thang cao hơn bên ngoài buồng thang) trong buồng thang khi có cháy
  • N3 - có lối vào buồng thang từ mỗi tầng đi qua khoang đệm có áp suất không khí dương.


Thang chữa cháy để phục vụ cho việc chữa cháy và cứu nạn

  • P1 - thang đứng
  • P2 - thang bậc với độ nghiêng không quá 6:1(80 độ)


Một số yêu cầu đối với thang bộ và buồng thang bộ thoát nạn

Số lượng thang bộ thoát nạn trong các nhóm sau F1.1, F1.2, F1.3(khi diện tích trên tầng lớn hơn 500m2), F2.1, F2.2, F3, F4, F5 ít nhất 2 thang
Bố trí cầu thang bộ: khi có từ 2 cầu thang bộ trở lên, chúng phải được bố trí phân tán.
Chiều rộng của bảng thang bộ dùng để thoát người, trong đó kể cả bản thang đặt trong buồng bộ, không được nhỏ hơn chiều rộng của bất kỳ lối thoát nạn nào trên nó đồng thời không được nhỏ hơn:

  • 1.35m đối với nhóm F1.1
  • 1.2m đối với nhà có số người trên tầng bất kỳ lớn hơn 200
  • 0.7m đối với cầu thang bộ dẫn đến các chỗ làm việc đơn lẻ
  • 0.9m với các trường hợp khác

Thứ Năm, 18 tháng 8, 2016

Kiểm tra an toàn về PCCC trong giai đoạn thi công

Quá trình kiểm tra an toàn PCCC tại thi công xây dựng, cơ quan cảnh sát PCCC làm việc với chủ đầu tư, nhà thầu thi công giới thiệu thành phần đoàn kiểm tra, nêu mục đích yêu cầu, nội dung kiểm tra.
Nội dung kiểm tra:


  • Kiểm tra việc thực hiện ban hành các văn bản quy định, nội quy PCCC của chủ đầu tư, nhà thầu thi công trên công trường
  • Kiểm tra việc lập phương án chữa cháy, phương án thoát nạn, cứu nạn, cứu tài sản trên công trường và việc thực tập các phương án đó.
  • Kiểm tra việc bạn hành các quy trình hàn cắt kim loại trên công trường và việc thực hiện các quy trình đó.
  • Kiểm tra điều kiện giao thông phục vụ chữa cháy trên công trường.
  • Kiểm tra nguồn nước dự trữ để chữa cháy và việc dự trữ các chất chữa cháy cần thiết khác theo quy định tiêu chuẩn.
  • Kiểm tra việc thực hiện quy định, nội quy PCCC của các đơn vị, kiến thức cơ bản về PCCC của những người làm việc trên công trường.
  • Kiểm tra việc chấp hành các quy định về tổ chức lực lượng PCCC tại chỗ của các đơn vị thi công trên công trường, chế độ hoạt động, huấn luyện, khả năng chữa cháy, chất lượng hoạt động của lực lượng này.
  • Kiểm tra phương án chữa cháy, phương án thoát nạn, cứu người, tài sản và chế độ thực tập các phương án đó của cơ sở.
  • Kiểm tra điều kiện bảo quản vật tư, hàng hóa và các chất có nguy hiểm cháy nổ tại các kho tạm trên công trường.
  • Kiểm tra vị trí, số lượng, chất lượng hoạt động của các hệ thống, phương tiện, thiết bị chữa cháy, cứu người đã trang bị trên công trường.
  • Kiểm tra hệ thống thông tin liên lạc phục vụ PCCC tại công trường.


Thứ Tư, 17 tháng 8, 2016

Quy hoạch giao thông ngoài nhà phục vụ chữa cháy

Nhà và công trình phải đảm bảo việc chữa cháy và cứu nạn bằng các giải pháp: kết cấu, quy hoạch không gian, kỹ thuật công trình và giải pháp tổ chức, các giải pháp bao gồm:

- Bố trí các đường cho xe chữa cháy và lối tiếp cận cho lực lượng và phương tiện chữa cháy, kết hợp chung với các đường và lối đi theo công năng của ngôi nhà hoặc bố trí riêng.

- Bố trí trên địa phận khu dân cư, khu công nghiệp hoặc công trình, các trạm phòng cháy và chữa cháy với số lượng nhân viên và các thiết bị kỹ thuật chữa cháy cần thiết đáp ứng các điều kiện chữa cháy trên các công trình hoặc khu vực trong phạm vi hoạt động của các trạm này.
Việc lựa chọn các giải pháp nêu trên phụ thuộc vào bậc chịu lửa, cấp nguy hiểm cháy kết cấu và nhóm nguy hiểm cháy theo công năng của ngôi nhà

- Đường cho xe chữa cháy phải đảm bảo các yêu cầu sau:

  • Chiều rộng của mặt đường không được nhỏ hơn 3,5m cho mỗi làn xe. Chiều cao của khoảng không tính từ mặt đường lên phía trên không được nhỏ hơn 4,25m.
  • Mặt đường phải đảm bảo chịu được tải trọng của xe chữa cháy theo yêu cầu cần thiết kế và phù hợp với chủng loại phương tiện của cơ quan cảnh sát phòng cháy chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ nơi xây dựng công trình.
  • Đường cụt dùng cho một làn xe không được dài quá 150m, cuối cùng phải có bãi xe theo quy định, nếu dài quá 100m phải có chỗ tránh xe với kích thước theo quy định.
  • Có thể tiếp cận tới các nguồn nước chữa cháy của công trình cũng như tới các điểm thuận lợi cho việc chữa cháy, cứu nạn. Khoảng cách từ nơi đỗ xe chữa cháy tới họng tiếp nước vào nhà không được lớn hơn 18m.
- Thiết kế bãi quay xe phải tuân theo một trong các quy định sau:
  • Hình tam giác đều có cạnh không nhỏ hơn 7m, một đỉnh nằm ở đường cụt, hai đỉnh nằm cân đối ở 2 bên đường.
  • Hình vuông có cạnh không nhỏ hơn 12m
  • Hình tròn đường kính không nhỏ hơn 10m
  • Hình chữ nhật vuông góc với đường cụt, cân đối về hai phía đường, có kích thước không nhỏ hơn 5mx20m.

- Đối với đường giao thông nhỏ hẹp chỉ đủ cho 1 làn xe chạy thì cứ ít nhất 100m phải thiết kế đoạn mở rộng tối thiểu 7m dài 8m để xe chữa cháy và các loại xe khác có thể tránh nhua dễ dàng.

- Đường dành cho xe chữa cháy đối với nhà ở , công trình công cộng và phụ trợ của các cơ sở nông nghiệp.
Phải đảm bảo đường cho  các xe chữa cháy tiếp cận đến các nhà ở và công trình công cộng, đường và bãi đỗ xe thang hoặc xe có cần nâng để có thể tiếp cận đến từng căn hộ hoặc gian phòng trên các tầng cao. Khoảng cách từ mép đường xe chạy đến tường nhà cho phép từ 5m đến 8m đối với các nhà cao đến 10 tầng.


Khoảng cách phòng cháy, chống cháy giữa các nhà và công trình

Khái niệm khoảng cách phòng cháy chống cháy giữa nhà và công trình:
Là khoảng cách thông thủy giữa tường ngoài hay kết cấu phía ngoài của các công trình đó. Trường hợp ngôi nhà có các kết cấu nhô ra khỏi mặt ngoài tường trên 1m và bằng vật liệu dễ cháy thì khoảng cách PCCC là khoảng cách giữa 2 mép ngoài kết cấu đó.

Tác dụng: Nhằm ngăn ngừa khả năng phát triển của đám cháy sang nhà, công trình bên cạnh trong khoảng thời gian đủ để triển khai lực lượng phương tiện chữa cháy và bảo vệ các nhà công trình khác bên cạnh.

Xác định khoảng cách PCCC an toàn
Khoảng cách được lấy theo tiêu chuẩn sau:

Đối với nhà ở, công trình công cộng và phụ trợ của các cơ sở công nghiệp
Khoảng cách PCCC từ nhà ở, công trình công cộng, nhà phụ trợ có bậc chịu lửa I và II đến các ngôi nhà có bậc chịu lửa I và II phải không nhở hơn 9m, đến các ngôi nhà sản xuất có mái với lớp cách nhiệt bằng chất liệu Polyme hoặc vật liệu cháy phải không nhỏ hơn 15m.

Khoảng cách giữa các ngôi nhà và công trình là khoảng cách thông thủy giữa các bức tường hoặc các kết cấu bên ngoài của chúng. Trong trường hợp các kết cấu của ngôi nhà hoặc công trình làm bằng những vật liệu cháy lồi ra hơn 1m thì phải lấy khoảng cách giữa các kết cấu này.

Khoảng cách giữa các bức tường không có lỗ cửa sổ cho phép lấy nhỏ hơn 20%  ngoại trừ các ngôi nhà có bậc chịu lửa IV và V

Đối với các nhà 2 tầng có kết cấu khung và tấm với bậc chịu lửa V cũng như các nhà được lợp bằng vật liệu cháy thì khoảng cách PCCC cần phải tăng thêm 20%.

Khoảng cách giữa các ngôi nhà có bậc chịu lửa I và II được phép nhỏ hơn 6m, nếu các bức tường của ngôi nhà cao hơn nằm đối diện với ngôi nhà khác là các tường ngăn cháy.

Không quy định khoảng cách giữa các nhà ở, cũng như giữa các nhà ở với các công trình phục vụ sinh hoạt khác trong khi tổng diện tích đất xây dựng gồm cả diện tích đất không xây dựng giữa chúng không vượt quá diện tích tầng cho phép lớn nhất trong phạm vi của một khoang cháy.

Đối với nhà và công trình công nghiệp
Khoảng cách nhỏ nhất giữa các ngôi nhà và công trình là khoảng cách thông thủy giữa các bức tường hoặc kết cấu bên ngoài của chúng. Trong trường hợp ngôi nhà hoặc công trình có phần kết cấu làm bằng những vật liệu cháy lồi ra hơn 1m thì khoảng cách nhỏ nhất phải lấy là khoảng cách giữa các kết cấu này

Không quy định khoảng cách giữa các ngôi nhà sản xuất và công trình công nghiệp trong những trường hợp sau:

  • Nếu tổng diện tích mặt sàn của từ 2 ngôi nhà trở lên có bậc chịu lửa III, IV không vượt quá diện tích cho phép tầng lớn nhất trong phạm vi một khoang cháy.
  • Nếu như tường của ngôi nhà hay công trình cao hơn hoặc rộng hơn, quay về phía một công trình khác là bức tường ngăn cháy.
  • Nếu các ngôi nhà và công trình có bậc chịu lửa III không phụ thuộc vào độ nguy hiểm cháy theo hạng sản xuất của chúng có các bức tường đứng đối diện là tường đặc hoặc tường có lỗ được xây kín bằng gạch block kính với giới hạn chịu lửa không nhỏ hơn 1 giờ.

Khoảng cách đã cho đối với những ngôi nhà và công trình có bậc chịu lửa  I, II thuộc hạng sản xuất A, B, C được giảm xuống từ 9m xuống còn 6m khi đáp ứng 1 trong các điều kiện sau:

  • Ngôi nhà và công trình được trang bị hệ thống chữa cháy tự động
  • Tải trọng riêng làm bằng các chất cháy trong các ngôi nhà thuộc hạng sản xuất C nhỏ hơn hoặc bằng 10kg tính trên 1m vuông diện tích tầng.

Các trường hợp khoảng cách PCCC được lấy nhỏ hơn quy định
Khoảng cách PCCC từ một ngôi nhà đến các ngôi nhà và công trình xung quanh, có thể lấy nhỏ hơn các quy định trên khi được sự chấp thuận của cơ quan PCCC có thẩm quyền và thực hiện theo các quy định sau:

Khoảng cách PCCC của ngôi nhà được xác định trong trường hợp này là khoảng cách từ ngôi nhà đến đường ranh giới khu đất của ngôi nhà.

Cho phép tường ngoài của ngôi nhà cách đường ranh giới khu đất của nhà trong phạm vi từ 0 đến nhỏ hơn 1m với các điều kiện sau:
  • Tường ngoài phải là tường ngăn cháy loại 1 REI 150 đối với nhà có bậc chịu lửa I và II, và tường ngăn cháy loại 2 REI 60 đối với nhà có bậc chịu lửa III và IV.
  • Bề mặt ngoài của tường ngoài không được sử dụng các vật liệu có tính nguy hiểm cháy cao hơn nhóm Ch1 LT1
Nếu tường ngoài của ngôi nhà cách đường ranh giới khu đất của nhà một khoảng lớn hơn 1m thì cho phép bố trí cấu tạo một số phần diện tích của bề mặt tường ngoài có tính chịu lửa thấp hơn yêu cầu đối với một tường ngăn cháy và được gọi là phần diện tích không được bảo vệ chống cháy của tường. Diện tích cho phép lớn nhất của phần không được bảo vệ chống cháy của tường ngoài được quy định phụ thuộc vào khoảng cách của tường ngoài đó đến đường ranh giới  khu đất của nhà.

Thứ Hai, 15 tháng 8, 2016

Các giai đoạn thẩm duyệt hồ sơ thiết kế về PCCC

Việc kiểm tra hồ sơ thiết kế được chia ra những giai đoạn sau: chuẩn bị thẩm duyệt, kiểm tra và hoàn thành thủ tục kiểm tra.

Giai đoạn chuẩn bị thẩm duyệt

Đây là giai đoạn đầu tiên trong việc kiểm tra hồ sơ thiết kế, bao gồm thu thập tài liệu và tiêu chuẩn cần thiết, nghiên cứu tài liệu, làm sáng tỏ và cụ thể những nội dung cần kiểm tra, chuẩn bị mẫu hồ sơ theo hướng dẫn của C66.

Giai đoạn kiểm tra
Phương pháp kiểm tra
Phương pháp cơ bản để phát hiện và làm rõ vi phạm so với các yêu cầu về an toàn cháy trong hồ sơ thiết kế là phương pháp lập bảng đối chiếu. Bản chất của phương pháp này là đối chiếu các giải pháp về an toàn cháy được cơ quan thiết kế vận dụng trong hồ sơ thiết kế so với các yêu cầu của tiêu chuẩn, trên cơ sở đó rút ra kết luận có phù hợp hay không. Việc đối chiếu có thể được thực hiện bằng chỉ số cụ thể, nhưng trong nhiều trường hợp nó chỉ mang đặc trưng về chất. Việc so sánh các giải pháp được thể hiện bằng chất lượng hoặc số lượng đáp ứng các yêu cầu về an toàn cháy được gọi là điều kiện an toàn.

Nội dung kiểm tra: Khi kiểm tra hồ sơ thiết kế xây dựng, nhất là đối với các công trình lớn có thể có tới hàng trăm chi tiết và đề mục cần kiểm tra, do vậy để đảm bảo đầy đủ và tránh nhầm lẫn cần chuẩn bị sẵn những vấn đề cần đối chiếu theo một biểu mẫu nhất định.

Những việc cần làm sau khi kiểm tra hồ sơ thiết kế:

Tổng hợp, đánh giá kết quả kiểm tra đối chiếu và trả lời chủ đầu tư xây dựng nhà, công trình.
Trường hợp kết quả đối chiếu đúng với yêu cầu tiêu chuẩn thì cán bộ thẩm định hồ sơ viết báo cáo trình cấp trên phê duyệt thiết kế về PCCC.
Trường hợp kết quả đối chiếu có nhiều điểm không đúng với yêu cầu tiêu chuẩn thì có công văn thông báo cho chủ đầu tư để sửa chữa, bổ sung vào hồ sơ thiết kế, trình duyệt lại nếu thấy đảm bảo yêu cầu của tiêu chuẩn thì trình cấp trên phê duyệt.

Hồ sơ thiết kế đã qua thẩm duyệt về  PCCC phải được đóng dấu Đã kiểm duyệt của cơ quan PCCC trước khi giao cho chủ đầu tư, kèm theo bản chấp thuận về thiết kế và thiết bị PCCC. Chủ đầu tư có trách nhiệm lưu giữ các hồ sơ nói trên và xuất trình khi có yêu cầu của các cơ quan quản lý nhà nước về PCCC và xây dựng, khi các cơ quan này tiến hành kiểm tra thi công và nghiệm thu công trình.

Hồ sơ được bàn giao cho chủ đầu tư sau khi được thẩm duyệt xong, kết thúc bước thẩm duyệt hồ sơ thiết kế về PCCC

Các bước tiếp theo trước khi công trình được nghiệm thu đưa vào sử dụng là kiểm tra an toàn về PCCC trong giai đoạn thi công công trình và kiểm tra nghiệm thu công trình.

Phân cấp và nội dung thẩm duyệt thiết kế về PCCC

Quy định về phân cấp thẩm duyệt PCCC

Cục cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ thẩm duyệt thiết kế về phòng cháy và chữa cháy đối với dự án, công trình quan trọng quốc gia, dự án đầu tư xây dựng công trình nhóm A(trừ dự án đầu tư xây dựng công trình sử dụng ngân sách nhà nước do cấp tỉnh là chủ đầu tư), dự án, công trình có chiều cao từ 100m trở lên, tàu hỏa chuyên dùng để vận chuyển hành khách, vận chuyển xăng , dầu, chất lỏng dễ cháy, khí cháy, vật liệu nổ, hóa chất có nguy hiểm về cháy, nổ, tàu thủy chuyên dùng để vận chuyển hành khách có chiều dài từ 50m trở lên, vận chuyển xăng, dầu, chất lỏng dễ cháy. khí cháy, vật liệu nổ, hóa chất có nguy hiểm về cháy, nổ có trọng tải toàn phần từ 1000 tấn trở lên, dự án đầu tư xây dựng công trình do cảnh sát phòng cháy và chữa cháy cấp tỉnh. Phòng cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ công an cấp tỉnh hoặc chủ đầu tư đề nghị.

Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy cấp tỉnh, phòng cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ công an cấp tỉnh thẩm duyệt thiết kế về phòng cháy và chữa cháy đối với các dự án đầu tư xây dựng công trình, phương tiện giao thông cơ giới cháy không thuộc thẩm quyền của cục cảnh sát phòng cháy chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ trên địa bàn quản lý và những trường hợp co cục cảnh sát phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ ủy quyền.

Nội dung thẩm duyệt thiết kế về PCCC

Nội dung thẩm duyệt thiết kế về phòng cháy và chữa cháy đối với dự án thiết kế quy hoạch phải theo đúng quy định tại các khoản 1, 2, 3, 4 điều 12 Nghị định 79/NĐ-CP, cụ thể như sau:

  • Địa điểm xây dựng công trình, cụm công trình, bố trí các khu đất, các lô nhà  phải bảo đảm chống cháy lan, giảm tối thiểu tác hại của nhiệt, khói bụi, khí độc do đám cháy sinh ra đối với các khu vực dân cư và công trình xung quanh.
  • Hệ thống giao thông, khoảng trống phải đủ kích thước và tải trọng bảo đảm cho phương tiện chữa cháy cơ giới triển khai các hoạt động chữa cháy.
  • Phải có hệ thống cấp nước chữa cháy, hệ thống thông tin liên lạc, cung cấp điện phải đảm bảo phục vụ các hoạt động chữa cháy, thông tin báo cháy
  • Bố trí địa điểm xây dựng đơn vị cảnh sát phòng cháy và chữa cháy ở những nơi cần thiết và phù hợp với quy hoạch để đảm bảo cho các hoạt động thường trực sẵn sàng chiến đấu, tập luyện, bảo quản, bảo dưỡng phương tiện chữa cháy theo quy định của bộ công an.


Nội dung thẩm duyệt thiết kế về phòng cháy và chữa cháy đối với thiết kế công trình phải theo đúng quy định tại các khoản 1, 2, 3, 4, 5, 6 điều 13 nghị định 79/NĐ-CP, cụ thể:

  • Địa điểm xây dựng công trình phải bảo đảm khoảng cách an toàn về phòng cháy và chữa cháy đối với các công trình xung quanh.
  • Bậc chịu lửa của công trình phải phù hợp với quy mô tính chất hoạt động của công trình, có giải pháp bảo đảm ngăn cháy và chống cháy lan giữa các hạng mục công trình và giữa công trình này với công trình khác.
  • Công nghệ sản xuất, hệ thống điện, chống sét, chống tĩnh điện, chống nổ của công trình và việc bố trí hệ thống kỹ thuật, thiết bị, vật tư phải bảo đảm các yêu cầu an toàn về phòng cháy và chữa cháy.
  • Lối thoát nạn, thiết bị chiếu sáng, thông gió, hút khói, chỉ dẫn lối thoát nạn, báo tín hiệu, phương tiện cứu người phải bảo đảm cho việc thoát nạn nhanh chóng, an toàn.
  • Hệ thống giao thông, bãi đỗ phục vụ cho phương tiện chữa cháy cơ giới hoạt động phải bảo đảm kích thước và tải trọng, hệ thống cấp nước chữa cháy phải bảo đảm yêu cầu phục vụ chữa cháy.
  • Hệ thống báo cháy, chữa cháy và phương tiện chữa cháy khác phải bảo đảm số lượng, vị trí láp đặt và các thông số kỹ thuật phù hợp với đặc điểm và tính chất hoạt động của công trình theo quy định của tiêu chuẩn kỹ thuật về phòng cháy và chữa cháy.

Thẩm duyệt thiết kế về PCCC đối với nhà và công trình

Thẩm duyệt thiết kế về phòng cháy chữa cháy là việc kiểm tra, đối chiếu các giải pháp nội dung thiết kế dự án, công trình phương tiện giao thông cơ giới có yêu cầu đặc biệt về bảo đảm an toàn phòng cháy chữa cháy với tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, các quy chuẩn của pháp luật Việt Nam có liên quan đến phòng cháy và chữa cháy, tiêu chuẩn nước ngoài, tiêu chuẩn quốc tế về phòng cháy và chữa cháy được phép áp dụng tại Việt Nam.

Thẩm duyệt thiết kế về phòng cháy và chữa cháy là nội dung quan trọng trong quản lý nhà nước về phòng cháy và chữa cháy được quy định tại điều 15 luật phòng cháy và chữa cháy

Nội dung:

Khi lập quy hoạch, dự án xây dựng mới hoặc cải tạo đô thị, khu dân cư, đặc khu kinh tế, khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao phải có giải pháp, thiết kế về phòng cháy và chữa cháy đảm bảo các nội dung sau đây: Địa điểm xây dựng, bố trí các khu, các lô, hệ thống giao thông, cấp nước, bố trí địa điểm hợp lý cho các đơn vị phòng cháy và chữa cháy ở những nơi cần thiết, dự án kinh phí cho các hạng mục phòng cháy và chữa cháy.

Khi lập dự án, thiết kế xây dựng mới, cải tạo hoặc thay đổi tính chất sử dụng của công trình phải có giải pháp, thiết kế về phòng cháy và chữa cháy bảo đảm các nội dung sau:

  • Địa điểm xây dựng, khoảng cách an toàn
  • Hệ thống thoát nạn
  • Hệ thống kỹ thuật an toàn về phòng cháy và chữa cháy
  • Các yêu cầu khác phục vụ phòng cháy và chữa cháy
  • Dự toán kinh phí cho các hạng mục phòng cháy và chữa cháy
Các dự án, thiết kế quy định tại khoản 1 và 2 điều 15 luật phòng cháy và chữa cháy phải được thẩm duyệt về phòng cháy và chữa cháy.

Chính phủ quy định danh mục dự án, công trình thuộc diện phải thiết kế, thẩm duyệt thiết kế, thời hạn thẩm duyệt thiết kế về phòng cháy và chữa cháy.

1. Quy định về thành phần hồ sơ thẩm duyệt thiết kế về PCCC

Hồ sơ thẩm duyệt về PCCC đối với các dự án, công trình gồm 2 bộ, có xác nhận của chủ đầu tư.
Hồ sơ gồm:

- Đối với hồ sơ dự án thiết kế quy hoạch
  • Văn bản đề nghị xem xét, cho ý kiến về giải pháp phòng cháy chữa cháy của cơ quan, tổ chức thẩm định, phê duyệt dự án hoặc của chủ đầu tư, nếu ủy quyền cho một đơn vị khác thực hiện thì phải có văn bản ủy quyền kèm theo
  • Dự toán tổng mức đầu tư của dự án thiết kế quy hoạch
  • Các tài liệu và bản vẽ quy hoạch chi tiết tỉ lệ 1:500 thể hiện những nội dung yêu cầu về giải pháp phòng cháy và chữa cháy
- Đối với hồ sơ thiết kế cơ sở
Thiết kế cơ sở là thiết kế được lập trong báo cáo nghiên cứu khả thi đầu tư xây dựng trên cơ sở phương án thiết kế được lựa chọn, thể hiện được các thông số kỹ thuật chủ yếu phù hợp với tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật được áp dụng, là căn cứ để triển khai các bước thiết kế tiếp theo, hồ sơ gồm:
  • Văn bản đề nghị xem xét, cho ý kiến về giải pháp phòng cháy và chữa cháy cửa cơ quan, tổ chức thẩm định, phê duyệt dự án hoặc của chủ đầu tư, nếu ủy quyền cho một đơn vị khác thực hiện thì phải có văn bản ủy quyền kèm theo.
  • Bản sao văn bản cho phép đầu tư của cấp có thẩm quyền
  • Dự toán tổng mức đầu tư của dự án
  • Bản vẽ và bản thuyết minh thiết kế cơ sở thể hiện những nội dung yêu cầu về giải pháp phòng cháy và chữa cháy quy định tại các khoản 1, 2, 3, 4, 5, 6 điều 13 nghị định 79/2014/NĐ-CP
- Đối với hồ sơ chấp thuận địa điểm xây dựng
  • Văn bản đề nghị kiểm tra, chấp thuận địa điểm xây dựng về phòng cháy và chữa cháy của chủ đầu tư có nêu rõ quy mô, tính chất, đặc điểm nguy hiểm cháy nổ của công trình dự kiến xây dựng, đặc điểm, hiện trạng và sự phù hợp của khu đất dự kiến xây dựng công trình
  • Bản sao văn bản nêu rõ tính hợp pháp của khu đất dự kiến xây dựng công trình
  • Bản vẽ , tài liệu thể hiện rõ hiện trạng địa hình của khu đất có liên quan đến phòng cháy và chữa cháy như: bậc chịu lửa của công trình, khoảng cách từ công trình dự kiến xây dựng đến các công trình xung quanh, hướng gió, cao độ công trình.
- Đối với hồ sơ thiết kế kỹ thuật hoặc thiết kế bản vẽ thi công
Thiết kế kỹ thuật là thiết kế cụ thể hóa thiết kế cơ sở sau khi dự án đầu tư xây dựng công trình được phê duyệt nhằm thể hiện đầy đủ các giải pháp, thông số kỹ thuật và vật liệu sử dụng phù hơp với tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật được áp dụng, là cơ sở để triển khai thiết kế bản vẽ thi công.
Thiết kế bản vẽ thi công là thiết kế thể hiện đầy đủ các các thông số kỹ thuật, vật liệu sử dụng và chi tiết cấu tạo phù hợp với tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật được áp dụng, bảo đảm đủ điều kiện để triển khai thi công xây dựng công trình.

Hồ sơ thiết kế kỹ thuật hoặc thiết kế bản vẽ thi công gồm: Văn bản đề nghị thẩm duyệt về phòng cháy chữa cháy của chủ đầu tư, trường hợp chủ đầu tư ủy quyền cho một đơn vị khác thực hiện thì phải có văn bản ủy quyền kèm theo. Bản sao văn bản chấp thuận quy hoạch của cấp có thẩm quyền. Dự toán tổng mức đầu tư dự án, công trình. Bản vẽ và bản thiết kế kỹ thuật thể hiện nội dung về phòng cháy chữa cháy.

2. Thời hạn thẩm duyệt

Thời hạn thẩm duyệt thiết kế về phòng cháy và chữa cháy được tính kể từ khi nhận đủ hồ sơ hợp lệ cụ thể như sau:
  • Dự án thiết kế quy hoạch không quá 10 ngày làm việc
  • Chấp thuận địa điểm xây dựng công trình không quá 5 ngày làm việc
  • Thiết kế cơ sở không quá 10 ngày làm việc đối với dự án nhóm A, không quá 5 ngày làm việc đối với dự án nhóm B và C.
  • Thiết kế kỹ thuật hoặc thiết kế bản vẽ thi công không quá 15 ngày làm việc đối với dự án công trình nhóm A, không quá 10 ngày làm việc đối với dự án công trình nhóm B và C
  • Thiết kế kỹ thuật phương tiện giao thông cơ giới có yêu cầu đặc biệt về bảo đảm an toàn phòng cháy và chữa cháy không quá 10 ngày làm việc.


Chủ Nhật, 14 tháng 8, 2016

Các yêu cầu về thoát nạn trong điều kiện cháy

1. Một số khái niệm cơ bản

Thoát nạn là quá trình tự di chuyển có tổ chức của người ra bên ngoài từ các gian phòng, nơi các yếu tố nguy hiểm của đám cháy có thể tác động lên họ. Thoát nạn còn là sự di chuyển không tự chủ của nhóm người ít có khả năng vận động do nhân viên vục vụ thực hiện. Thoát nạn được thực hiện theo các đường thoát nạn qua các lối ra thoát nạn.

Lối thoát nạn

Các lối ra được coi là lối thoát nạn nếu:

Dẫn từ các gian phòng ở tầng 1 ra ngoài theo một trong những cách sau:

  • Ra ngoài trực tiếp
  • Qua hành lang
  • Qua tiền sảnh-phòng chờ
  • Qua buồng thang bộ
  • Qua hành lang và tiền sảnh
  • Qua hành lang và buồng thang bộ

Dẫn từ các gian phòng của tầng bất kỳ, trừ tầng 1, vào một trong các nơi sau:
  • Trực tiếp vào buồng thang bộ hay tới cầu thang bộ loại 3
  • Vào hành lang dẫn trực tiếp vào buồng thang bộ hay tới cầu thang bộ loại 3
  • Vào phòng sử dụng chung có lối ra trực tiếp dẫn vào buồng thang bộ hoặc tới cầu thang bộ loại 3
Dẫn vào gian phòng liền kề trên cùng tầng mà từ phòng này có các lối ra như được nêu ở mục  trên

Lối  ra khẩn cấp là các lối ra không thỏa mãn các yêu cầu đối với lối ra thoát nạn, các lối ra này không được đưa vào tính toán thoát nạn khi cháy

Đường thoát nạn là đường di chuyển liên tục và không bị chặn từ một điểm bất kỳ trong nhà hoặc công trình đến lối ra bên ngoài. Các đường thoát nạn phải được chiếu sáng và chỉ dẫn phù hợp với các yêu cầu của tiêu chuẩn 3890-2009.

2. Các yêu cầu chung về lối và đường thoát nạn.

Lối thoát nạn trong mỗi ngôi nhà phải đủ để đảm bảo thoát nạn cho người kịp thời và không bị cản trở, cứu người bị tác động của các yếu tố nguy hiểm của đám cháy, bảo vệ người trên đường thoát nạn, tránh khỏi những tác động của các yếu tố nguy hiểm của đám cháy.

Các lối ra từ tầng hầm và tầng nửa hầm là lối ra thoát nạn khi thoát trực tiếp ra ngoài và tách biệt với các buồng thang bộ chung của nhà.

Số lượng và chiều rộng của các lối ra thoát nạn từ các gian phòng, các tầng và các ngôi nhà được xác định theo số lượng người thoát nạn lớn nhất có thể đi qua chúng và khoảng cách giới hạn cho phép từ chỗ xa nhất có thể có người tới lối thoát nạn gần nhất.




Thứ Sáu, 12 tháng 8, 2016

Các giải pháp đảm bảo an toàn cháy cho nhà công trình

Khi xây dựng nhà và các công trình chúng ta cần có kế hoạch chi tiết nhằm đảm bảo khi có cháy xảy ra, các phần khác của tòa nhà hay công trình sẽ an toàn trong khoảng thời gian cho phép nhất định.

Việc lắp đặt các bộ phận ngăn cháy là giải pháp tối ưu nhất

Bộ phận ngăn cháy được dùng để ngăn cản đám cháy lan từ các phòng, các khoang cháy sang các phòng, khoang khác trong thời gian nhất định hoặc đến khi cháy hết.

Các bộ phận ngăn cháy được phân loại như sau:

Tường ngăn cháy loại 1 có giới hạn chịu lửa REI 150, tường ngăn cháy loại 2 có REI 60
Vách ngăn cháy loại 1 có EI 45, vách ngăn cháy loại 2 có EI 15
Sàn ngăn cháy loại 1, 2, 3, 4 có REI lần lượt là 150, 60, 45, 15

Các yêu cầu đối với bộ phận ngăn cháy

Khi bố trí các đường ống kỹ thuật, đường cáp đi xuyên qua các kết cấu tường, sàn, vách, thì chỗ tiếp xúc cần được bịt kín, nhằm không làm giảm tác dụng ngăn cháy của chúng.

Cá trần treo dùng để nâng cao giới hạn chịu lửa của các sàn và mái, xét về tính nguy hiểm cháy, phải đáp ứng các yêu cầu đặt ra cho các sàn và mái đó. Các vách ngăn cháy trong các gian phòng có trần  treo phải ngăn chia cả không gian phía trên trần treo. Trong không gian  bên trên các trần treo không cho phép bố trí các kênh và đường ống để vận chuyển các chất cháy dạng khí, hỗn hợp bụi khí, chất lỏng và vật liệu cháy. Các trần treo không được bố trí trong các không gian phòng hạng A hoặc B

Tại các vị trí giao nhau giữa các bộ phận ngăn cháy và các kết cấu bao che của nhà, kể cả tại vị trí thay đổi hình dạng nhà, phải có các giải pháp bảo đảm không để cháy truyền qua các bộ phận ngăn cháy này.

Các tường ngăn cháy dùng để phân chia nhà thành các khoang cháy phải đươc bố trí trên toàn bộ chiều cao nhà  và phải đảm bảo không để cháy lan truyền từ phía nguồn cháy vào khoang cháy liền kề khi kết cấu ở phía có cháy bị sụp đổ.

Các lỗ thông trong các bộ phận ngăn cháy được đóng kín khi có cháy. Các cửa sổ trong các bộ phận ngăn cháy phải là các cửa không mở được, còn các cửa đi cổng, cửa nắp và van phải có cơ cấu tự đóng và các khe cửa phải được chèn kín. Các cửa đi cổng, cửa nắp và van nếu cần mở để khai thác sử dụng thì phải được lắp các thiết bị tự động đóng kín khi có cháy.

Tổng diện tích các lỗ cửa trong các bộ phận ngăn cháy, trừ kết cấu bao che của các giếng thang máy, không được vượt quá 25% diện tích của bộ phận ngăn cháy đó.

Cửa và van ngăn cháy trong các bộ phận ngăn cháy phải đươc làm từ các vật liệu không cháy.

Không cho phép bố trí các kênh,giếng và đường ống để vận chuyển các  chất và vật liệu khác với các loại nói trên thì tại các vị trí giao cắt với các bộ phận ngăn cháy này phải có thiết bị tự động ngăn cản sự lan truyền của các sản phẩm cháy theo các  kênh, giếng và ống dẫn.

Buồng chứa rác, ống và cửa thu rác phải được thiết kế, lắp đặt phù hợp với tiêu chuẩn, yêu cầu kỹ thuật quy định riêng cho từng bộ phận và các yêu cầu cụ thể như sau:

  • Các ống đổ rác và buồng chứa rác phải được cách ly với những phần khác của ngôi nhà bằng các bộ phận ngăn cháy, cửa thu rác ở tầng phải có nắp ngăn cháy tự động đóng kín.
  • Không được đặt các ống đổ rác và buồng chứa rác bên trong các buồng thang bộ, sảnh đợi hoặc khoang đệm được bao bọc ngăn cháy dùng cho thoát nạn.
  • Cửa vào buồng chứa rác không được đặt liền kề với các lối thoát nạn hoặc cửa ra bên ngoài của nhà hoặc đặt gần với cửa sổ của nhà ở.
  • Ống đổ rác phải được làm bằng vật liệu không cháy
Trong tầng hầm hoặc tầng nửa hầm, trước lối vào các thang máy phải bố trí các khoang đệm ngăn cháy loại 1 có áp suất không khí dương khi cháy.

Thứ Năm, 11 tháng 8, 2016

Giới hạn chịu lửa của thép trong xây dựng

Cấu kiện thép là một trong những loại cấu kiện được sử dụng rộng rãi trong xây dựng như cột vì kèo, dầm, xà...Khi sử dụng cấu kiện thép sẽ giảm thời gian xây dựng xuống 15-20% tăng năng suất lao động lên 20-25% và giảm rất nhiều chi phí vận chuyển. Việc chế tạo các cấu kiện thép tạo điều kiện thuận lợi cho việc lắp đặt và thi công.

Cấu kiện thép không được bảo vệ chống cháy có giới hạn chịu lửa không cao. Giới hạn chịu lửa của cấu kiện kim loại được xác định bằng thời gian nung nóng cấu kiện đến nhiệt độ tới hạn.

Qua thực nghiệm đối với các kết cấu thật cho thấy nhiệt độ tới hạn trung bình khoảng 280 độ C. Ở nhiệt độ như vậy đặc biệt nguy hiểm đối với kết cấu mái có lớp chống nóng hoặc cách nhiệt bằng vật liệu dễ cháy.

Do vậy đối với tất cả các loại nhà khi sử dụng kết cấu thép cần có các biện pháp bảo vệ chống cháy đặc biệt.

Một số biện pháp làm tăng giới hạn chịu lửa cho cấu kiện thép.

Nhiệt độ tới hạn đối với cấu kiện thép thông thường khoảng 500 độ C, đối với dây cáp chằng mái và nhôm khoảng 300 độ C

Với những điều kiện như vậy, có thể tính được tải trọng chất cháy cho phép chứa trong nhà và công trình với kết cấu thép không được bảo vệ chống cháy.

Biện pháp phổ biến nhất để tăng tính chịu lửa cho cấu kiện kim loại là ốp bên ngoài bằng vật liệu không cháy có hệ số truyền nhiệt thấp. Giới hạn chịu lửa của cấu kiện được bảo vệ chống cháy như vậy phụ thuộc vào loại và chiều dày của vật liệu bảo vệ.

Đối với cột thép, biện pháp truyền thống là xây gạch ốp bên ngoài. Để tránh sự phá hủy lớp bảo vệ do dự nở nhiệt không đều giữa cột và lớp gạch, khi thi công cần để một khe hở nhỏ giữa chúng và đặt neo giữ bằng kim loại được hàn chặt với cột.

Một biện pháp khác là tạo một lớp bê tông có cốt là lưới thép bao bọc bên ngoài cột thép. Biện pháp này đòi hỏi tốn công, làm tưng kích thước và trọng lượng cấu kiện.

Kết quả thử lửa đã chứng minh rằng các loại vật liệu sau có hiệu quả cao trong việc bảo vệ chống cháy cho cấu kiện kim loại:

  • Tấm cách nhiệt có thành phần peclit, amiang, vecmiculit, xi măng.
  • Tấm cách nhiệt bằng thạch cao khan nước có cốt liệu là bông thủy tinh


Một số biện pháp bảo vệ chống cháy khác cũng có tính ưu việt cao đó là tạo một lớp vữa bảo vệ bên ngoài cấu kiện kim loại. Thành phần các lớp vữa này gồm hỗn hợp của cốt liệu ở dạng xốp(penclit, vecmiculit) và chất kết dính(xi măng, thạch cao, vôi sống, thủy tinh lỏng). Trước khi trát vữa lên bề mặt cấu kiện cần bảo vệ phải làm sạch bụi bẩn, gỉ và tạo cốt bằng lưới thép với kích thước các ô lưới nhỏ hơn 100mm. Lưới thép được liên kết với cấu kiện bằng neo giữ và đặt cách bề mặt cấu kiện 10mm.

Việc tạo lớp vữa bảo vệ chống cháy cho cấu kiện kim loại có thể tiến hành trong nhà máy hoặc trực tiếp ở công trường xây dựng.

Một loại vật liệu chống cháy rất có hiệu quả đối với cấu kiện kim loại đó là sơn chống cháy.

Để làm tăng giới hạn chịu lửa cho kết cấu kim loại chịu lực của mái hoặc sàn ngăn có thể tạo trần treo bằng vật liệu không cháy.

Một biện pháp khác cũng rất có hiệu quả để làm tăng tính chịu lửa của kết cấu kim loại, đó là làm mát bằng nước trực tiếp từ bề mặt bên ngoài hoặc bên trong. Trong trường hợp thứ hai, cấu kiện cần có vị trí rỗng bên trong và làm từ thép có khả năng chống ăn mòn cao.

Giới hạn chịu lửa của bê tông cốt thép

Cấu kiện bê tông cốt thép được ứng dụng rộng rãi trong xây dựng. Căn cứ vào lượng xi măng tiêu thụ ở nước ta hàng năm cho thấy khối lượng cấu kiện bê tông cốt thép chiếm một tỉ lệ lớn so với các loại cấu kiện khác.

Giới hạn chịu lửa thực tế của cấu kiện bê tông cốt thép phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố như loại vật liệu, sơ đồ cấu tạo... và thay đổi trong phạm vi rộng, do vậy trong thực tế không hạn chế lĩnh vực sử dụng chúng.

Kết quả thực nghiệm và nghiên cứu trạng thái nhà, công trình sau khi cháy đã chứng tỏ tính chịu lửa của cấu kiện bê tông cốt thép phụ thuộc vào cấu tạo, biện pháp chát tải trọng, tính chất lý, nhiệt của bê tông, cường độ và thời gian tác động của nhiệt độ. Nhờ tính không cháy và hệ số dẫn nhiệt độ không cao lắm nên có thể chế tạo cấu kiện bê tông cốt thép với giới hạn chịu lửa bất kỳ đáp ứng mọi yêu cầu về an toàn.

Có thể lấy ví dụ như sau: Giới hạn chịu lửa của tường chịu lực và vách ngăn phụ thuộc vào chiều dày, loại bê tông và độ ẩm của chúng. Giới hạn chịu lửa sẽ tăng khi giảm tỉ trọng của bê tông và tăng kích thước mặt cắt của cấu kiện. Độ ẩm cũng ảnh hưởng đến việc làm tăng giới hạn chịu lửa. Tuy vậy cần lưu ý rằng nếu bê tông với khối lượng thể tích 1200kg/m3. có độ ẩm 3-3,5 % khi chịu cường độ tác động nhiệt ở mức cao có thể gây nổ bê tông làm giảm giới hạn chịu lửa của cấu kiện.

Nguyên nhân làm xuất hiện giới hạn chịu lửa của cấu kiện bê tông cốt thép được xác định bởi đặc tính làm việc của cấu kiện trong điều kiện cháy.
Đối với cấu kiện mà trạng thái giới hạn được quy định trong điều kiện chịu uốn, giới hạn chịu lửa sẽ xuất hiện ở thời điểm khi giới hạn chảy của cốt thép khi bị nung nóng giảm xuống bằng ứng suất làm việc do tải trọng tiêu chuẩn gây ra.

Đối với cấu kiện mà trạng thái giới hạn được quy định trong điều kiện chịu nén, giới hạn chịu lửa  sẽ  xuất hiện ở thời điểm khi khả năng làm việc của mặt cắt giảm xuống bằng giá trị giới hạn. Do độ bền giảm khi bị nung nóng nên khả năng chịu lực của vật liệu và cấu kiện chỉ còn giá trị bằng tải trọng bên ngoài. Trong điều kiện cháy,các yếu tố đó ảnh hưởng đồng thời đến sự giảm khả năng chịu lực của cấu kiện.

Cấu kiện bê tông cốt thép có thể thực hiện hai chức năng ngăn cháy và chịu lực.

Cấu kiện bê tông cốt thép chỉ thực hiện một chức năng duy nhất là ngăn cách thường là tường treo, tường không chịu lực và vách ngăn. Những cấu kiện này cho phép sử dụng trong các nhà, công trình có bất kỳ bậc chịu lửa nào nếu như chúng không có đặc tính cháy bề mặt và có giới hạn chịu lửa trên 0,5 giờ.

Cấu kiện chịu lực có thể thực hiện đồng thời cùng một lúc hai chức năng là chịu lực và ngăn cách. Những cấu kiện đó thường là tường chịu lực, tường tự chịu lực trong các nhà, công trình lắp ghép cao tầng, sàn ngăn, mái...Theo quy luật chung, các cấu kiện đó làm việc trong điều kiện cháy dưới cả hai trạng thái chịu nén kết hợp với chịu uốn.

Bậc chịu lửa và tính nguy hiểm cháy của nhà và công trình

Khái niệm bậc chịu lửa của nhà và công trình.

Bậc chịu lửa là mức độ chịu lửa được xác định bởi giới hạn chịu lửa cửa các kết cấu xây dựng chính.

Căn cứ vào tính chịu lửa, nhà và công trình được chia thành 5 bậc chịu lửa ký hiệu lần lượt là I, II, III, IV, V theo mức độ giảm dần về khả năng chống lại sự phá hủy trong điều kiện cháy.

Tính nguy hiểm cháy của cấu kiện xây dựng.

Tính nguy hiểm cháy của cấu kiện là tính chất làm phát sinh và phát triển các yếu tố nguy hiểm cháy.
Theo tính nguy hiểm cháy, cấu kiện xây dựng được phân thành 4 cấp:


  • K0 không nguy hiểm cháy
  • K1 ít nguy hiểm cháy
  • K2 nguy hiểm cháy vừa phải
  • K3 nguy hiểm cháy


1. Cấp nguy hiểm cháy của cấu kiện xây dựng được xác định bằng thử nghiệm theo tiêu chuẩn VN hiện hành hoặc tương đương.

2. Cho phép xác định cấp nguy hiểm cháy của cấu kiện mà không cần thử nghiệm như sau:


  • Xếp vào cấp K0 nếu cấu kiện được chế tạo chỉ từ vật liệu không cháy
  • Xếp vào cấp K1 nếu bề mặt ngoài của cấu kiện được tạo từ vật liệu có đồng thời các tiêu chuẩn kỹ thuật về cháy không nguy hiểm hơn Ch1, BC1, SK1.
  • Xếp vào cấp K2 nếu bề mặt ngoài của cấu kiện được cấu tạo từ vật liệu có đồng thời các tiêu chuẩn kỹ thuật về cháy không nguy hiểm hơn Ch2, BC2, SK2.
  • Xếp vào cấp K3 nếu bề mặt ngoài của cấu kiện được cấu tạo chỉ từ các vật liệu có một trong các tiêu chuẩn kỹ thuật về cháy là Ch3, BC3 SK3

Thứ Tư, 10 tháng 8, 2016

Giới hạn chịu lửa của kết cấu xây dựng

Giới hạn chịu lửa của kết cấu xây dựng được xác định bằng khoảng thời gian bằng phút tính từ khi bắt đầu thử chịu lửa theo chế độ nhiệt tiêu chuẩn cho đến khi xuất hiện một hoặc một số dấu hiệu nối tiếp nhau của các trạng thái giới hạn được quy định đối với cấu kiện đã cho như sau:


  1. Mất khả năng chịu lực - khả năng chịu lực kí hiệu chữ R
  2. Mất tính toàn vẹn - kí hiệu chữ E
  3. Mất khả năng cách nhiệt - kí hiệu chữ I


Giới hạn chịu lửa của cấu kiện xây dựng có thể xác định bằng tính toán theo tiêu chuẩn thiết kế chịu lửa được áp dụng

Giới hạn chịu lửa yêu cầu của các cấu kiện xây dựng cụ thể được quy định trong quy chuẩn và các tiêu chuẩn kỹ thuật cho từng loại công trình. Giới hạn chịu lửa yêu cầu của cấu kiện xây dựng được kí hiệu bàng REI, EI, RE hoặc R kèm theo các chỉ số tương ứng về thời gian chịu tác động của lửa tính bằng phút.
Ví dụ: Cấu kiện có giới hạn chịu lửa yêu cầu REI 120 nghĩa là cấu kiện phải duy trì được đồng thời cả ba khả năng: chịu lực, toàn vẹn và cách nhiệt trong khoảng thời gian chịu tác động của lửa là 120 phút, cấu kiện có kí hiệu R 60 thì phải duy trì khả năng chịu lực trong thời gian 60 phút.

Một số cấu kiện xây dựng được cho là đảm bảo yêu cầu về khả năng chịu lửa nếu thỏa mãn một trong hai điều kiện:


  • Cấu kiện có cấu tạo với đặc điểm kỹ thuật giống như mẫu thí nghiệm chịu lửa và mẫu này khi thí nghiệm có giới hạn chịu lửa không nhỏ hơn giới hạn chịu lửa yêu cầu của cấu kiện đó.
  • Cấu kiện có cấu tạo với đặc điểm kỹ thuật phù hợp với cấu kiện nêu trong phụ lục F và giới hạn chịu lửa danh định tương ứng cho trong phụ lục này không nhỏ hơn giới hạn chịu lửa yêu cầu của cấu kiện đó

Thứ Ba, 9 tháng 8, 2016

Nâng cấp sửa chữa bảo trì hệ thống phòng cháy chữa cháy

Nâng cấp hệ thống phòng cháy chữa cháy nhằm đáp ứng đầy đủ nhu cầu và yêu cầu về phòng cháy và chữa cháy. Khi hệ thống được xây dựng và hoạt động lâu, theo thời gian có thể luật về phòng cháy và chữa cháy có thể thay đổi. Để đáp ứng tiêu chuẩn quy định của luật PCCC, một số hệ thống thi công trước đó sẽ cần bổ sung, thay thế những chi tiết, yêu cầu kỹ thuật...

Sửa chữa bảo trì hệ thống PCCC là hoạt động nhằm khắc phục những sự cố kỹ thuật đối với các hoạt động của các hệ thống phòng cháy chữa cháy. Khi sử dụng chúng, không thể không có những hư hỏng ngoài mong muốn, vì vậy việc sửa chữa là cần thiết để hoạt động của những hệ thống này được đảm bảo. Bảo trì nhằm giúp chúng ta tìm ra những mối nguy hiểm có thể gây hại và làm ảnh hưởng đến hoạt động của hệ thống chữa cháy, báo cháy...

Công ty Hoàng Quân Phát chuyên nhận thực hiện nâng cấp sửa chữa và bảo trì các hệ thống báo cháy, chữa cháy. Quý khách có nhu cầu vui lòng liên hệ 0986 099 519 hoặc 08 6656 6422 để được tư vấn và hỗ trợ tốt nhất.

Điều cần thiết phải xây dựng lắp đặt các hệ thống phòng cháy trong quá trình sản xuất: Trong sản xuất và kinh doanh, cháy nổ luôn là vấn đề quan trọng và cấp thiết, các hoạt động của chúng ta hàng ngày đều có nguy cơ và tạo điều kiện xuất hiện đám cháy. Khi cháy xảy ra, máy móc thiết bị, vật liệu, sản phẩm và các thiết bị khác sẽ bị ảnh hưởng, hư hỏng và có thể thiệt hại về con người. Vì thế chúng ta luôn cần có những phương tiện thiết bị để sẵn sàng khắc phục khi có sự cố. Hệ thống chữa cháy luôn đi kèm với các hoạt động sản xuất kinh doanh là vì vậy.


Phòng cháy và chữa cháy bằng lực lượng phương tiện tại chỗ

Mọi hoạt động phòng cháy và chữa cháy trước hết phải được thực hiện và giải quyết bằng lực lượng và phương tiện tại chỗ.

Phòng cháy và chữa cháy là hoạt động luôn mang tính xã hội rộng lớn, vì cháy có thể xảy ra ở bất cứ đâu, và bất cứ khi nào, thời điểm nào nếu như có sự kết hợp trong những điều kiện nhất định các yếu tố: chất cháy, nguồn nhiệt, chất oxy hóa.

Trên thực tế, giải pháp về phòng ngừa cháy, nổ luôn phải là giải pháp thực tế gắn với yêu cầu thực tế của từng cơ sở, khu dân cư. Mặt khác, các vụ cháy, nổ xảy ra đều là những vụ việc mang tính khẩn cấp, đòi hỏi phải giải quyết, khắc phục kịp thời.

Tổng kết thực tiễn công tác phòng cháy và chữa cháy cho thấy, thực hiện phòng cháy, chữa cháy tại chỗ là vấn đề mang tính chiến lược trong công tác phòng ngừa cháy nổ.

Vì thế đối với những cơ sở có trang bị lực lượng và phương tiện chữa cháy tại chỗ sẽ chủ động và linh hoạt ứng phó với sự cố nhanh chóng kịp thời.

Nhận thầu xây lắp hệ thống PCCC

Nhận thầu xây lắp hệ thống PCCC. Công ty TNHH Hoàng Quân Phát là nhà thầu xây lắp các hệ thống phòng cháy chữa cháy chuyên nghiệp, với đội ngũ kỹ thuật được đào tạo và có tay nghề trong thi công và xây lắp các hệ thống báo cháy, chữa cháy, kim thu sét...

Hoạt động trong ngành phòng cháy chữa cháy với hơn 10 năm kinh nghiệm, thực hiện nhiều công trình quy mô khác nhau, chúng tôi tự tin đem lại cho khách hàng sự an tâm và hài lòng nhất khi sử dụng các dịch vụ chúng tôi cung cấp.

Dự án được thực hiện sẽ có nhiều vướng mắc và các vấn đề về pháp luật, chúng tôi đảm bảo sẽ giải quyết và khắc phục những sự cố.

Để đảm bảo khách hàng có  được thông tin tốt nhất, hãy liên hệ với chúng tôi qua thông tin
Điện thoại: 0986 099 519 - 08 6656 6422
Email: sale@pccc24.com - hoangquanphat@gmail.com
Website: http://pccc24.com

Quy trình chung cho các dự án thi công xây lắp hệ thống PCCC

  1. Khảo sát hiện trạng, vị trí, các công trình phụ trợ, các hệ thống có sẵn.
  2. Lên kế hoạch chi tiết các hệ thống cần bổ xung lắp đặt mới, bản vẽ kỹ thuật chi tiết, số lượng vật liệu, giá thi công, chi phí kiểm duyệt...
  3. Kiểm duyệt bản vẽ trước khi thi công.
  4. Sau khi đảm bảo các yêu cầu ban đầu, bước tiếp theo là thi công, xây lắp hệ thống.
  5. Nghiệm thu công trình.

Phòng cháy chữa cháy lấy phòng ngừa là chính

Trong hoạt động phòng cháy chữa cháy lấy phòng ngừa là chính, phải tích cực và chủ động phòng ngừa, hạn chế đến mức thấp nhất các vụ cháy xảy ra và thiệt hại do cháy gây ra.

Đây là nguyên tắc được tổng kết từ kinh nghiệm và thực tiễn trong công tác phòng cháy và chữa cháy, phải lấy phòng ngừa là chính.
Bản chất phòng cháy chính là phòng ngừa cháy nổ, là áp dụng tổng hợp các giải pháp, biện pháp về tổ chức và kỹ thuật nhằm hạn chế, loại trừ các nguyên nhân và điều kiện gây cháy, với mục đích cao nhất là chủ động loại trừ các nguy cơ phát sinh cháy nổ.

Phòng ngừa cháy nổ có ý nghĩa đảm bảo các điều kiện cho công tác chữa cháy được chủ động, kịp thời cứu người, cứu tài sản, chống cháy lan và nhanh chóng dập tắt đám cháy, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do cháy gây ra.

Phòng ngừa cháy là yếu tố quyết định hiệu quả công tác phòng cháy, chữa cháy vì nếu để xảy ra cháy tức là đã gây ra thiệt hại, thậm chí thiệt hại lớn về người và tài sản. Tuy nhiên, giữa phòng cháy và chữa cháy là hai nhiệm vụ không thể tách rời nhau, chúng luôn có mối quan hệ mật thiết. Mục đích là không để xảy ra cháy, nên ý thức phải luôn được đề cao, các biện pháp phòng cháy phải thực hiện nghiêm ngặt trong cơ quan, tổ chức, hộ gia đình và mỗi cá nhân, từ đó hạn chế đến mức thấp nhất các vụ cháy có thể xẩy ra.

Tinh thần cơ bản của nguyên tác này đòi hỏi các công tác phòng ngừa cháy nổ phải tích cực, chủ động, phải được quán triệt trong tất cả các cấp, các ngành, trong toàn xã hội. Luật phòng cháy và chữa cháy đã thể hiện quan điểm này trong việc đề ra các yêu cầu phòng ngừa cháy nổ đồng thời gắn trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, hộ gia đình và cá nhân trong phòng cháy và chữa cháy.

Vai trò của luật Phòng cháy và chữa cháy

Luật Phòng cháy và chữa cháy là cơ sở pháp lý để nhà nước tiến hành quản lý các hoạt động phòng cháy chữa cháy và các hoạt động khác có liên quan đến phòng cháy và chữa cháy như xây dựng lực lượng phòng cháy và chữa cháy tại chỗ, trang bị phương tiện và đầu tư chính sách cho hoạt động phòng cháy và chữa cháy.

Luật phòng cháy và chữa cháy tạo nên sự thống nhất trong việc thực hiện các quy định của nhà nước về phòng cháy và chữa cháy, huy động mọi nguồn lực cho hoạt động phòng cháy, giáo dục mọi người nhằm nâng cao ý thức trách nhiệm, tự giác thực hiện các quy định nhà nước về phòng cháy và chữa cháy.

Vì vậy, Luật Phòng cháy và chữa cháy là công cụ quan trọng, góp phần vào việc phòng ngừa, ngăn chạn các hành vi vi phạm về PCCC, đảm bảo an ninh, anh toàn xã hội, góp phần thực hiện đường lối mở cửa và cuộc sống công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước hiện nay.

Đối với lực lượng Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy, luật có vai trò là công cụ tiến hành việc quản lý nhà nước về phòng và chữa cháy, là cơ sở đề ra các giải pháp, biện pháp phòng ngừa cháy nổ, thực hiện công tác chữa cháy, cứu hộ, cứu nạn và xây dựng lực lượng chữa cháy đảm bảo chấp hành pháp luật, đấu tranh với các hành vi vi phạm quy định về phòng cháy và chữa cháy.

Cùng với đó, luật còn là cơ sở để xây dựng lực lượng Cảnh sát PCCC chính quy hiện đại.

Cấu tạo hệ thống cung cấp nước chữa cháy ngoài nhà

Sơ đò cấu tạo hệ thống cung cấp nước chữa cháy.
Khía niệm: Hệ thống cung cấp nước chữa cháy bên ngoài bao gồm các thiết bị và mạng lưới đường ống dùng để cung cấp nước cho các thiết bị và phương tiện chữa cháy có định bên ngoài nhà và công trình.
Sơ đồ cấu tạo.
Hệ thống cung cấp nước chữa cháy với đặc điểm bao phủ đến mọi điểm trong khu vực, công trình cần bảo vệ, vì vậy hệ thống này thường được lắp đặt chung với hệ thống cung cấp nước sinh hoạt của khu dân cư.
Đối với các công trình công nghiệp. hệ thống cung cấp nước bên ngoài đảm bảo phục vụ về nước cho các nhu cầu sản xuất, chữa cháy và sinh hoạt của con người trong khu công nghiệp đó.
Công trình thiết bị và mạng lưới đường ống cung cấp nước trong khu dân cư và trong các khu công nghiệp phải tính toán đến các nhu cầu về sinh hoạt, sản xuất và chữa cháy.



Hệ thống cung cấp nước được cấu tạo từ các công trình thiết bị và mạng lưới đường ống cung cấp nước. Nguồn nước là nguồn cung cấp nước phục vụ cho sinh hoạt, sản xuất và chữa cháy, nước được máy bơm hút và đẩy vào mạng lưới đường ống, trong các giờ nhu cầu sử dụng nước ít, lượng nước từ máy bơm được cung cấp vào đài nước và cấp vào mạng lưới đường ống phục vụ cho các nhu cầu sử dụng. Trong trường hợp sử dụng nhiều nước, nước từ máy bơm đi vào hệ thống, do sự tăng đột biến của lưu lượng sử dụng nên trạm bơm không đảm bảo cung cấp nước liên tục, khi đó nước từ đài nước cấp vào hệ thống, bù đủ lượng nước phục vụ sinh hoạt, chữa cháy.

Thứ Hai, 8 tháng 8, 2016

Chủ thể kiểm tra an toàn PCCC

Chủ thể kiểm tra an toàn về phòng cháy chữa cháy chính là chủ thể quản lý nhà nước về PCCC. Theo quy định của luật PCCC, chủ thể kiểm tra về PCCC gồm: Người đứng đầu cơ quan, tổ chức, cơ sở, chủ phương tiện giao thông cơ giới, chủ rừng, chủ hộ gia đình, Ủy ban nhân dân và chủ tịch ủy ban nhân dân các cấp, lực lượng PCCC. Những chủ thể này khi tham gia vào hoạt động kiểm tra về PCCC có quyền sử dụng quyền lực nhà nước để chỉ đạo đối tượng kiểm tra thực hiện nhiệm cụ, quyền và nghĩa vụ của các bên tham gia vào quá trình kiểm tra về PCCC. Nội dung hoạt động kiểm tra an toàn về PCCC của mọt số chủ thể.
Kiểm tra của các cơ quan hành chính nhà nước thẩm quyền chung về PCCC. Hoạt động kiểm tra an toàn về PCCC của các cơ quan quản lý hành chính nhà nước thẩm quyền chung được quy định trong các văn bản quy phạm pháp luật như sau:
Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về PCCC trong đó có thanh tra, kiểm tra về PCCC.
Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm thực hiện chức năng quản lý nhà nước về PCCC ở địa phương, trong đó có nhiệm vụ chỉ đạo, kiểm tra và tổ chức thực hiện các quy định của pháp luật về PCCC tại địa phương..
Chủ tịch ủy ban nhân dân cấp xã, huyện trở lên có trách nhiệm tổ chức kiểm tra an toàn về PCCC theo chế độ kiểm tra định kỳ và đột xuất trong phạm vi quản lý của mình.

Thứ Ba, 2 tháng 8, 2016

Báo giá thi công phòng cháy chữa cháy

Công ty Hoàng Quân Phát là nhà thầu thi công phòng cháy uy tín được sự tin tưởng của khách hàng với hàng trăm công trình các loại trên toàn quốc. Chúng tôi thi công dự án mới, nâng cấp các dự áp cũ, bảo trì, sửa chữa.
Bạn có nhu cầu hay đang tìm kiếm thông tin và muốn được tư vấn về công trình phòng cháy chữa cháy cho công trình xây dựng, nhà xưởng, hay tòa nhà của bạn. Hãy liên hệ với chúng tôi theo thông tin 08 6656 6422 hoặc 0986 099 519 để được tư vấn và hướng dẫn cụ thể chi tiết nhất.
Giá thi công phòng cháy được tính sau khi chúng tôi khảo sát kỹ lưỡng công trình cần thực hiện, vẽ bản vẽ chi tiết các hạng mục cần thi công, giá nhân công và chi phí thẩm duyệt phát sinh.


Thủy lực ứng dụng trong phòng cháy chữa cháy

1. Các đại lượng vật lý và đơn vị đo sử dụng trong phương tiện chữa cháy
a. Áp suất và lưu lượng
-Áp suất: là một đơn vị đại lượng vật lý, được đo bằng lực trên một đơn vị  diện tích tác dụng theo chiều vuông góc với bề mặt của vật thể.
Trong kỹ thuật và trong đời sống của con người, trị số của áp suất không khí chiếm một vị trí quan trọng. Các áp suất phải đo thường lớn hơn hoặc bé hơn áp suất không khí., vì vậy ngoài số 0 tuyệt đối làm gốc đo áp suất, người ta thường lấy áp áp suất không khí pa làm gốc đo các áp suất.
Khi lấy số 0 làm gốc đo thì giá trị tuyệt đối của áp suất không khí bằng pa = 1at.
-Áp suất tuyệt đối, áp suất dư, áp suất chân không.
Muốn đo được áp suất tuyệt đối phải đo trong buồng kín không còn chứa phần tử không khí nào, tức là trong chân không tuyêt đối. Nói cách khác, đo áp suất tuyệt đối là chọn giá trị 0 làm gốc đo, trên mặt đất, thông thường rất khó đo áp suất tuyêt đối. Các dụng cụ đo áp suất dùng trong kỹ thuật chỉ đo được hiệu số của áp suất tuyệt đối với áp suất không khí. Như vậy người ta dùng áp suất không khí để làm chuẩn so sánh.
Trị số chênh lệch giữa áp suất tuyệt đối với áp suất không khí được gọi là áp suất dư. Pdư = Pt -Pa.
Trị số chênh lệch giữa áp suất không khí với áp suất tuyệt đối gọi là áp suất chân không Pck = Pa - Pt.
Trong thực tế, các thiết bị PCCC và cứu nạn, cứu hộ đều sử dụng trong môi trường không khí, như vậy lấy áp suất không khí làm gốc đo các loại áp suất, như vậy trong trường hợp đo áp suất bình thường, chỉ số trên các đồng hồ đo áp suất là chỉ số áp suất dư.

Thứ Hai, 1 tháng 8, 2016

Các công trình phòng cháy đã thi công

Công ty Hoàng Quân Phát là nhà thi công công trình Phòng cháy chữa cháy. Với hơn 10 năm kinh nghiệm thi công, lắp đặt, bảo trì, tư vấn thiết kế các hệ thống phòng cháy chữa cháy. Chúng tôi đã thực hiện hàng trăm công trình cho nhiều đối tác ở TP HCM, Bình Dương, Đồng Nai và các tỉnh thành lân cận.
Với tiêu chí chất lượng đặt lên hàng đầu, chúng tôi đã được khách hàng tin tưởng và lựa chọn thực hiện thêm các dự án khác ngoài các dự án trước đó chúng tôi đã làm.
Mộ số hình ảnh về các dự án tiêu biểu mới nhất chúng tôi đã thực hiện: Tên dự án xin được không công khai do yếu tố khách quan và yêu cầu của khách hàng. Nếu quý khách có yêu cầu chi tiết, chúng tôi sẽ thông tin từng dự án cụ thể.
 


Chúng tôi rất hân hạnh được phục vụ quý khách có nhu cầu đối với các dịch vụ chúng tôi cung cấp.
Liên hệ điện thoại 08 6656 6422 hoặc 0986 099 519 để được tư vấn đầy đủ nhất.